Bồ Tát lục độ, đơn giản mà nói, là Pháp môn lục chủng hạnh có thể từ bờ bên này của sanh tử khổ não đắc độ đến bờ bên kia Niết Bàn an lạc, tức bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, bát nhã. Bố thí có thể độ tham lam keo kiệt, trì giới có thể độ hủy phạm, nhẫn nhục có thể độ sân hận, tinh tấn có thể độ giải đãi, thiền định có thể độ tán loạn, bát nhã có thể độ ngu si. Không có tâm lượng bố thí thì không thể trì giới, trì giới là tiền phương tiện của nhẫn nhục; có định thì nhất định có công phu nhường nhịn. Cho nên, mối quan hệ của lục chủng hạnh này là phần sau bao gồm phần trước, phần trước không bao gồm phần sau, phần trước là làm phương tiện cho phần sau.
Lão Hòa thượng Hải Hiền tu lục độ, đều biểu hiện tinh tế sâu sắc trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, đáng tiếc chúng ta thường thường không biết nhìn, trong cuộc sống của Ngài nhìn không ra những đầu mối này, nhìn không ra sự hoạt bát sống động của Phật Pháp đại thừa, cũng không nhìn ra việc hoạt học hoạt dụng của lão Hòa thượng. Ngài trước nay không nói, chỉ là tuân thủ chặt chẽ bổn phận – bổn phận lão thật, không rêu rao, không sinh sự. Nếu như mỗi người chúng ta đều vĩnh viễn bằng lòng để mọi người xem thường, một đời liền sẽ bình an vô sự.
Năm xưa, lúc lão Hòa thượng Hải Hiền sống lâu trên núi, có một khoảng thời gian, Ngài nhìn thấy mấy sư huynh đệ luôn soi mói nói xấu Ngài, nhưng Ngài tuyệt không để tâm. Về sau sư phụ gọi Ngài đến phòng Phương trượng, hỏi Ngài có vụng trộm với nữ cư sĩ hay không. Mãi đến lúc này, Hải Hiền mới hiểu ra, thì ra có người mưu cáo hãm hại mình, các sư huynh đệ bàn tán xôn xao, câu chuyện bèn truyền đến chỗ của sư phụ. Có người nói: “Hải Hiền có đối tượng nhiều đến cả cánh rừng.” Lời nói thật khó nghe. Việc này càng truyền càng ly kỳ, về sau thậm chí nói đến có thời gian, có địa điểm.
Hòa thượng Hải Hiền vì việc này bị bài xích, có số sư huynh đệ cũng không muốn tiếp cận với Ngài nữa, nhưng trong lòng của Ngài rất bình tĩnh, Ngài không lên tiếng, cũng không tranh biện. Mãi đến sau khi một sư huynh du học bên ngoài trở về, nghe nói sự việc này, lập tức đứng ra vì Ngài làm sáng tỏ sự thật: Mấy ngày đó Ngài và sư đệ Hải Hiền của Ngài cùng thu hoạch ngô trên sườn núi, có thôn dân dưới núi đến giúp đỡ làm việc, thời gian đó, Ngài và Hải Hiền cùng ở với nhau suốt. Đến đây, lời ong tiếng ve cuối cùng đã chấm dứt.
“Nhất thiết pháp đắc thành ư nhẫn”, có thể nhẫn mới có thể thật sự đạt được lợi ích. Nhẫn nhục có hai loại: Một là trong cung kính cúng dường, không có ngạo nghễ láo xược, trong lúc bị xâm hại, không có oán hận; Hai, tình trạng nóng lạnh, mưa gió, đói khát v.v… gây não hại, có thể an có thể nhẫn, không sanh sân hận ưu phiền. Công phu nhẫn nhục của Hòa thượng Hải Hiền cao, người khác hủy báng Ngài, ức hiếp Ngài, chướng ngại Ngài, hãm hại Ngài, trong tâm Ngài hết thảy như không việc gì, mỗi ngày làm việc, niệm Phật như thường, Ngài rất vui vẻ, Ngài không có thời gian tính toán với người khác những việc này, nhân của ai thì quả nấy nhận, dùng ác đối với người khác, ác ý này vẫn sẽ quay trở lại chính mình.
Hòa thượng Hải Hiền giống như người sống ở thế giới Cực Lạc, gặp phải sự việc, cách nghĩ, cách làm của Ngài hoàn toàn không giống với chúng ta, có những lúc sự việc chúng ta nhìn thấy là rất lớn, đối với Ngài mà nói, như không việc gì! Nhiều năm trước, có một lần, một thợ điện theo thường lệ đi đến thu tiền điện lão Hòa thượng. Lão Hòa thượng thấy rằng số tiền điện phí quá cao, bèn hỏi anh ta: “Tiền điện tháng này so với tháng trước, sao lại cao quá vậy?” Anh ta không nói lời nào, mà đánh lão Hòa thượng Hải Hiền hai bạt tai, lão Hòa thượng không hé môi nói lời nào mà móc tiền điện ra trả cho người thu tiền.
Sau khi người thu tiền điện đi rồi, mấy vị cư sĩ có mặt hết sức tức giận, mọi người nhao nhao tỏ ra bất bình nói: “Vậy không được, chúng ta phải tìm anh ta nói phải trái mới được! Anh ta như vậy là không nói lý lẽ!” Lão Hòa thượng ngăn mọi người lại nói: “Bỏ đi, bỏ đi, anh ta đánh tôi, xem như anh ta gãi ngứa cho tôi mà; nước bọt nhổ vào trên mặt, xem như rửa mặt vậy mà. Với người không tranh cao luận thấp, thì không phiền não. Chúng ta người xuất gia nhất định phải độ lượng lớn, có thể khoan dung người khác, mãi mãi ghi nhớ: “Nhẫn giả tự an.” Làm người không thể không có lương tâm, người thu tiền điện này, lấy tiền của người ta lại còn người ức hiếp người. Anh ta đã tạo tội nghiệp, tự mình còn không biết. Nhưng lão Hòa thượng thấy được rất rõ ràng, như là nhân, như là quả, như là báo, nhân quả báo ứng mảy may không sai chạy.
Con người sống trên thế giới này, có thể chuyển cảnh giới thì tự tại. Tật xấu của phàm phu chúng ta là, nếu như hoàn cảnh thuận lợi, qua lại đều là người tốt, thì thích, thì khởi tâm tham luyến, tham luyến là phiền não, sanh phiền não thì không sanh trí tuệ. Nếu như là nghịch cảnh, gặp phải người xấu, người ác, người ức hiếp chư vị, thì sanh phiền não, có oán hận. Chúng ta bị cảnh giới chuyển rồi. Hòa thượng Hải Hiền không chuyển theo cảnh giới, Ngài có thể chuyển cảnh giới! Trong Kinh Lăng Nghiêm nói: “Nhược năng chuyển cảnh, tức đồng Như Lai”, chư vị có thể không bị sự quấy nhiễu của cảnh giới, không bị cảnh giới chuyển, thì chư vị và Như Lai không có khác nhau, thì chư vị thành Phật rồi.
Cho nên chúng ta ở thuận cảnh, gặp thiện duyên, không nên sanh tham luyến, phải dùng tâm bình thường đối đãi; đối với nghịch cảnh, gặp ác duyên, không nên sanh sân hận. Tâm oán hận cảm đến kết quả là oan oan tương báo. Thế gian này tất cả đều là giả (“Giả” ở đây, tuyệt không có nghĩa giả trong ý nghĩa truyền thống. Chỗ này là Phật học dụng ngữ. Nghĩa là hư vọng không thực, các pháp nhân duyên hòa hợp mà có, huyễn sanh huyễn diệt, hư vọng mà không thực thể. Chữ “giả” trong cuốn sách này ở các chỗ khác đều đồng nghĩa với đây.) Hà tất so đo? Tha thứ cho người khác, không tính toán với người, đây là tu phước, từng chút, từng chút này đều là tích công lũy đức.
Chịu thiệt là phước, phải có thể chịu thiệt, tuyệt không làm cái việc chiếm lợi. Người nên hồ đồ, không phải thật hồ đồ, là giả hồ đồ, đây là hồ đồ khó có. Không so đo với người, cam tâm tình nguyện mắc lừa chịu thiệt, tuyệt không để trong tâm, người như vậy về sau phước lớn!
Pháp sư Diễn Cường, người bạn già của Hòa thượng Hải Hiền nói: “Trong tâm người ta cũng không việc giả tạo, cũng không đi gây sự. Tôi muốn nói, Hiền Công tuyệt đối là Phật Bồ Tát ứng hóa đến thế gian đấy! Người ta một đời này, tôi không nghe nói qua, Ngài vì giành vật gì mà tranh cãi với người nào. Điểm này của lão Hòa thượng đặc biệt đáng ca ngợi, hảo nhẫn nhục công phu! Cả một đời không có ngăn cách với bất kỳ ai, Ngài nói đây đều là cha mẹ, anh em, thầy giáo nhiều đời nhiều kiếp của chính mình đấy! Bất luận chư vị có tu hành hay không tu hành, đến nơi này của Hiền Công tất cả đều tốt, người ta cũng không bàn tốt, không nói xấu, đều để họ sanh tâm hoan hỷ.
Hiền Công ngày thường cũng không thích nói chuyện phiếm gì, đi đứng nằm ngồi niệm A Di Đà, người ta thật sự đạt đến trình độ đó rồi, quán nội không quán ngoại.” Tâm của lão Hòa thượng Hải Hiền là thanh tịnh, một chút không ô nhiễm. Ngài có công phu nhẫn nại, không so đo với người. Lão Hòa thượng trụ thế 112 năm, xuất gia 92 năm, Ngài một đời này, hành Bồ Tát đạo, bất luận gặp phải khó khăn kiểu gì, uất ức ra làm sao, bị sỉ nhục như thế nào, cả thảy Ngài có thể nhẫn nhục hết, như không hề có việc đó, không để trong tâm, trong tâm của Ngài chỉ có một câu: “A Di Đà Phật”, đây là chánh tri chánh kiến. Có phẩm hạnh như vậy của Ngài, nhất định có thể có thành tựu. Những uất ức và oan uổng mà Ngài chịu, đều là tích lũy vô lượng công đức.
– Trích sách: Hải Hội Thánh Hiền Lục (Cuộc đời và sự nghiệp của lão Hòa thượng Hải Hiền)