Như thế nào được gọi là hiếu? Phần trước đã nói với quí vị rất nhiều rồi, cổ nhân nói rất hay, chữ “hiếu” này là hợp cha mẹ, anh em, vợ chồng, con cái thành một người, đây là hiếu. Nó không phải phân chia ra, nó là một cái chỉnh thể. Cha con, anh em, vợ chồng, con cái là một chỉnh thể. Chúng ta xem ra cũng khá, nói thật là có mấy phần giống là tiểu hiếu. Bạn thử xem chư Phật Như Lai, Pháp Thân Đại Sĩ, các Ngài hợp hư không pháp giới tất cả chúng sanh thành một thể, cái hiếu này mới viên mãn. Nếu như chúng ta đối với cha mẹ, anh em, vợ chồng, con cái, “anh là anh, tôi là tôi”, thì là đại bất hiếu. Ý nghĩa của chữ “hiếu” bạn cũng không hiểu thì bạn làm sao thực hiện được? Chư Phật Như Lai, chư đại Bồ Tát, các Ngài đương nhiên là như ở đây đã nói, “nhân giai kính chi, thiên đạo hựu chi”, chữ thiên đạo đó là thiên thần phù hộ họ, bảo vệ họ. Họ hợp hư không pháp giới tất cả chúng sanh thành một thể, cho nên mới có cảm ứng như vậy, đó mới gọi là người thiện chân thật. Chúng ta tự mình thử nghĩ, đến khi nào mới có thể đạt đến trình độ này? Nói ở trên lý, chỉ trong khoảng một niệm, chỉ cần bạn đem ý nghĩ chuyển trở lại, bạn liền chuyển phàm thành Thánh, liền chuyển mê thành ngộ. Ý nghĩ không chuyển lại được thì vĩnh viễn lang thang trong sinh tử của phàm phu. Ý nghĩ chuyển trở lại rồi, liền siêu phàm nhập Thánh.
Chúng ta phải bắt đầu chuyển từ đâu? Chính là đem vọng tưởng, phân biệt, chấp trước chuyển trở lại. Cái thứ này hại chúng ta vô lượng kiếp đến nay, đời đời kiếp kiếp tạo lục đạo luân hồi, kết vô lượng vô biên ân oán nợ nần với tất cả chúng sanh. Có thể trả hết không? Không thể. Cái ân oán nợ nần này, chỉ có từng đời từng đời tăng lên thêm, chắc chắn tiêu trừ không nổi. Quí vị thử nghĩ, có phải là tình trạng này hay không? May mà Phật đem chân tướng sự thật này nói rõ cho chúng ta biết, những ân oán nợ nần này là giống như bóng đen vậy, tuy đời đời kiếp kiếp đang tích lũy, đang tăng thêm, nhưng nó luôn là một vùng đen tối, một ngọn đèn liền đem nó phá tan, cái gọi là buồng tối ngàn năm, một ngọn đèn này là có thể phá trừ nó. Đây là nói cái gì vậy? Quay đầu là không còn nữa. Đọa lạc ở bên trong thì đền trả không có ngày dứt, điều đáng quý là biết quay đầu. Ân đức của Phật đối với chúng ta là ở chỗ này, không có lời dạy của Phật thì chúng ta đâu có biết những chân tướng sự thật này, làm sao biết quay đầu? Đây là đại ân đại đức của Phật đối với chúng ta. Quay đầu trở lại, đây mới gọi là người thiện thật sự. Thế chúng ta biết bản thân chúng ta có vô lượng vô biên tội lỗi, điều này đâu phải là giả. Bản thân ta có vô lượng vô biên tội lỗi, tất cả chúng sanh cũng có vô lượng vô biên tội lỗi, không có khác gì với chúng ta. Ta có thể thứ lỗi cho mình, có thể tha thứ mình thì tại sao không thể tha thứ người khác, thứ lỗi người khác? Cổ nhân dạy người rất hay, dạy chúng ta lấy cái tâm tha thứ mình, tha thứ cho người, thì oan kết với người liền có thể hóa giải; dùng cái tâm chỉ trích người khác để chỉ trích mình, mới có thể sửa chữa lỗi lầm. Đây là những lời dạy rất hay, chúng ta cần nhớ kỹ, cần nên y giáo phụng hành.
Hiếu dưỡng phụ mẫu là dưỡng cái thân của cha mẹ, dưỡng tâm của cha mẹ, dưỡng chí của cha mẹ, đem tâm lượng hiếu dưỡng cha mẹ mở rộng đến tất cả chúng sanh, xem tất cả chúng sanh đều là cha mẹ ta, tất cả chúng sanh đều là chư Phật Như Lai, hiếu dưỡng, phụng sự đạt đến hư không pháp giới thì cái thiện hạnh này mới viên mãn. Phật làm được rồi, Pháp Thân Đại Sĩ làm được rồi, tại sao chúng ta làm không được? Chính là do vọng tưởng, phân biệt, chấp trước làm hại chúng ta, hại chúng ta không làm được, hại chúng ta vĩnh viễn làm người ác. Lấy tiêu chuẩn của người thiện đó ở trong Phật pháp, chúng ta ngoài rìa cũng còn chưa chạm được, đây là điểm khó của Phật pháp. Nhưng mà cái điểm khó này không phải không thể khắc phục, nếu bạn có quyết tâm, có nghị lực, có trí tuệ thì bạn có thể khắc phục. Trí tuệ là hiểu rõ chân tướng sự thật. Quyết tâm, nghị lực khắc phục vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của mình, cảnh giới của bạn liền được nâng cao, nâng cao với biên độ lớn.
(Trích: Thái Thượng Cảm Ứng Thiên, tập 45)