Phật Thích Ca và Phật A Di Đà, mong các Ngài giúp đỡ, hướng dẫn chúng ta. Chính mình không đủ năng lực, cần phải được Phật, Bồ Tát gia bị. Tịnh Độ Tam Kinh câu nào cũng chân thật, nương theo kinh để tu học, chắc chắn sẽ thành tựu. Bốn mươi tám nguyện của Phật Di Đà, nguyện nào cũng đều nhằm thành tựu chúng sanh. Kinh A Di Đà nguyên bản (bản gốc bằng tiếng Phạn) nói tới mười phương Phật, người Hoa thích đơn giản; do vậy, La Thập đại sư rút gọn mười phương thành sáu phương. Sáu phương Phật đều hiện tướng lưỡi rộng dài, tán thán pháp môn này để làm chứng cho Phật Thích Ca, chứng thực sự chân thật, quyết chẳng nói hai lời. “Tùy thuận chư Phật chân thật giáo hối, quyết chí cầu sanh, cánh vô nghi hoặc, thị danh Tín Tha” (tùy thuận giáo huấn chân thật của chư Phật, quyết chí cầu vãng sanh, trọn không còn ngờ vực gì, đấy gọi là Tín Tha). Mấy câu này có phân lượng rất nặng. Tùy thuận Phật Thích Ca, tùy thuận bốn mươi tám nguyện của A Di Đà Phật, tùy thuận lời khuyên răn của hết thảy chư Phật trong tận hư không trọn pháp giới, chết lòng sát đất niệm một câu A Di Đà Phật, đó chính là tùy thuận giáo huấn của chư Phật. Nếu hỏi: Trong những kinh điển do đức Phật đã giảng trong bốn mươi chín năm, bộ kinh nào chân thật nhất? Câu trả lời sẽ là kinh A Di Đà, kinh dạy thẳng thừng, trọn vẹn, thỏa đáng pháp môn thành Phật ngay trong một đời. Kinh Đại Thừa chân thật hơn kinh Tiểu Thừa, kinh văn Nhất Thừa chân thật hơn kinh Đại Thừa, kinh A Di Đà là chân thật nhất trong những điều chân thật.
“Tín nhân giả, thâm tín tán loạn xưng danh, do vi thành Phật chủng tử, huống nhất tâm bất loạn, an đắc bất sanh Tịnh Độ” (Tin vào nhân là tin tưởng sâu xa, tâm tán loạn xưng niệm danh hiệu còn trở thành hạt giống để thành Phật, huống hồ nhất tâm bất loạn lẽ nào chẳng sanh về Tịnh Độ). Trong kinh Pháp Hoa, đức Phật đã nói: “Nhất xưng Nam Mô Phật, giai dĩ thành Phật đạo” (Kẻ mô Phật một tiếng, đều đã thành Phật đạo). Đây chẳng qua là gieo nhân mà thôi, bất luận hữu tâm hay vô tâm, niệm một câu A Di Đà Phật sẽ tạo thành chủng tử sanh về Tây Phương trong tương lai. Hiểu rõ sự thật này, liền biết độ chúng sanh như thế nào, bất luận hữu ý hay vô ý, làm cho người ta niệm A Di Đà Phật một tiếng, họ sẽ đắc độ, sớm muộn gì cũng sẽ vãng sanh.
Tiêu chuẩn “nhất tâm bất loạn” rất cao, có những người lo lắng “chỉ sợ trong một đời này chẳng thể vãng sanh”. Lão cư sĩ Hạ Liên Cư đã hội tập các bản dịch kinh A Di Đà của hai vị đại sư La Thập và Huyền Trang, tạo thành một bản. Trong bản kinh A Di Đà do ngài Huyền Trang dịch, trọn chẳng có từ ngữ “nhất tâm bất loạn”, chỉ có “nhất tâm hệ niệm”. Chúng ta nghe nói “nhất tâm hệ niệm” tợ hồ cảm thấy có thể thực hiện được. Kinh Vô Lượng Thọ bảo “nhất hướng chuyên niệm A Di Đà Phật” (một mực chuyên niệm A Di Đà Phật), tợ hồ cũng có thể thực hiện được. Nhưng bản dịch của ngài La Thập hoàn toàn chẳng phải là dịch sai! Bởi lẽ, đối với bản dịch của ngài La Thập, ngài Huyền Trang rất khâm phục, không phê bình gì cả. Hơn nữa, đại đệ tử đồng thời là học trò đắc ý nhất của ngài Huyền Trang là pháp sư Khuy Cơ, tổ sư khai sơn của Duy Thức Tông, khi viết chú giải cho kinh A Di Đà, nếu theo thói quen của con người hiện thời, ngài Khuy Cơ nhất định phải dùng bản dịch của thầy mình là ngài Huyền Trang, nhưng ngài Khuy Cơ lại dùng bản dịch của ngài La Thập, chứng tỏ cả thầy lẫn trò đều tán đồng bản dịch của ngài La Thập.
(PHẬT THUYẾT A DI ĐÀ KINH YẾU GIẢI GIẢNG KÝ – PHẦN 2 – Pháp sư Tịnh Không giảng thuật )