Chư Phật vốn do một đại sự nhân duyên mà xuất hiện trong đời. Đại sự nhân duyên vừa nói đó không có gì khác hơn là muốn cho chúng sanh khai thị ngộ nhập tri kiến Phật, ngay đó thành Phật mà thôi! Do vì căn tánh chúng sanh bất nhất, nên giáo pháp của Như Lai muôn vàn sai khác. Do vậy, giáo pháp cả một đời tùy cơ diễn sướng. Pháp môn tuy rộng nhiều như cát bụi, nhưng hành nhân y giáo tu trì, rốt ráo quy nguyên, đều chứng tự tánh chính nơi tâm mình. Nhưng trong trần sa pháp môn, tìm lấy pháp chẳng lìa Sự tu, phô bày trọn vẹn tâm tánh, trùm khắp ba căn, lợi độn cùng thâu, thượng thượng căn chẳng vượt được ải này, hạ hạ căn cũng đến được nơi ấy, cao trỗi hết thảy Thiền, Giáo, Luật, thống nhiếp hết thảy Thiền, Giáo, Luật, hạ thủ dễ, thành công cao, dùng sức ít mà được hiệu quả nhanh, thuận lợi nhất trong đời Mạt Pháp, vượt thẳng ngũ trược thì không gì thù thắng siêu tuyệt như pháp trì danh Niệm Phật của Tịnh Độ.
Quả thật có thể nói là chúng sanh trong chín pháp giới lìa pháp này trên chẳng thể viên thành Phật đạo; mười phương chư Phật bỏ pháp này dưới chẳng thể lợi khắp quần sanh. Do vậy, ngàn kinh muôn luận nơi nơi chỉ quy, vãng thánh tiền hiền ai nấy đều hướng về như các ngôi sao chầu về Bắc Đẩu, vạn dòng nước chảy về Đông. Cư sĩ đã tin sâu niệm Phật, nhưng nếu chưa tham học với Tịnh nghiệp thiện tri thức, lại không đọc rộng các kinh luận Tịnh Độ thì lòng tin chân thành, nguyện thiết tha do đâu mà phát sanh cho được? Dẫu có thể chấp trì danh hiệu, nhưng vì chẳng cầu xuất ly, liền thành cái quả nhân thiên, thọ hưởng si phước. Do phước tạo nghiệp, lại chìm trong ác đạo. Nếu đường nẻo vẫn không đúng, lạc vào tà kiến thì thiện nhân lại chiêu ác quả, phước báo nhân – thiên còn chưa thể được, bao kiếp khó thoát khỏi sự khổ cùng cực trong A Tỳ. Ví như vào biển đã không có hoa tiêu, lại thiếu la bàn, trôi nổi trong sóng cuồng, sóng lớn, mịt mờ chẳng biết đi về đâu! Dẫu có thể chèo chống, lèo lái, khó khỏi bị chìm đắm.
Quang thuở nhỏ ít học, lớn lên vô tri, chỉ với pháp Tịnh Độ còn hơi rành rẽ, cảm lòng thành của ông, nay đem những điều thiết yếu nhất của kinh luận Tịnh Độ giới thiệu sơ lược một hai điều, mỗi điều chỉ nêu đại ý. Nếu có thể quay về mà cầu, tâm lãnh hội, tinh thần thể hội, ắt sẽ múa tay giậm chân mà không biết, vượt xa kẻ ngu cứ nói lem lém.
(Trích: Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên, Thư gởi cư sĩ Lưu Đình Thành ở Phước Kiến)