Người thế gian nghĩ khi người thân lâm chung, người nhà khóc nhiều mới chứng tỏ tình yêu thương đối với người mất. Ai hay? sự khóc lóc, níu kéo, rên la của người thân là ma chướng đối với người mất!
Thật sự dụng tâm, cũng rất đúng pháp, nhưng chưa thể đạt tới “thuần nhất”, hai chữ này trọng yếu! Trong phần trước nói “chưa thể nhất tâm”, ở đây nói là “chưa thể thuần nhất”. Thật sự đạt đến thuần nhất, trong một đời này, quyết định được vãng sanh.
Trong đoạn lớn này, quý vị chỉ ghi nhớ một điều, “nhất tâm” hoặc “thuần nhất”, quý vị sẽ được thọ dụng. Chẳng thể thuần nhất, khi vãng sanh bèn tùy thuộc duyên phận. Duyên thù thắng, khi lâm chung gặp thiện hữu trợ niệm, thiện hữu khai thị, nhắc nhở, một niệm cuối cùng là niệm Phật, bèn vãng sanh. Nếu trong sá na lâm chung, chẳng gặp thiện tri thức, người nhà, quyến thuộc lại khóc lóc, lại làm ồn, vướng mắc đầy dạ, do một niệm sai lầm sẽ chẳng thể vãng sanh; đó là thời khắc mấu chốt.
Đó là chẳng thể thuần nhất, bèn sợ khi lâm chung có kẻ nhiễu loạn. Họ cũng chẳng cố ý làm hại quý vị, mà là do tình cảm con người trong thế gian này! Nhưng đối với người niệm Phật mà nói, những điều đó đều là ma chướng, khi lâm chung, chúng đến dày vò quý vị, đến chướng ngại quý vị vãng sanh.
Tập sách nhỏ có tên là Sức Chung Tu Tri (飭終須知: những điều cần biết để giúp đỡ người lâm chung) chính là tác phẩm diễn dịch cuốn Sức Chung Tân Lương (飭終津梁: hướng dẫn khi trợ niệm lâm chung) từ văn chương Văn Ngôn sang văn Bạch Thoại, đọc dễ hiểu hơn.
Chúng ta hãy nên ấn hành nhiều để giúp đỡ người khác, nhắc nhở họ khi lâm chung phải biết tu học như thế nào, điều này hết sức quan trọng. Chính mình phải hiểu, người nhà quyến thuộc cũng phải biết, mới chẳng đến nỗi tạo thành chướng ngại. Suốt một đời thật sự niệm Phật, chẳng đạt đến thuần nhất, khi lâm chung chẳng thể vãng sanh, nhưng người ấy cũng đã gieo cái nhân rất tốt.
Do cái nhân ấy, có thể tiếp tục niệm Phật trong đời sau, sẽ có thể vãng sanh. Vì một người thật sự niệm Phật, tâm địa từ bi, thiện lương, quyết định chẳng bị đọa vào ba ác đạo. Đời sau ở trong cõi trời, người, được làm thân người hay thân trời, còn có cơ duyên gặp gỡ pháp môn này lại tiếp tục tu hành.
Cung Kính Trích Lục Từ Các Bài Pháp Của Hoà Thượng Tịnh Không.