Bà đã quy y Phật pháp niệm Phật thì hãy nên y theo lời Phật dạy để hành. Phật dạy bà cầu sanh Tây Phương, nhưng bà thiên chấp, chẳng chịu cầu sanh Tây Phương, cứ khăng khăng muốn cầu [phước báo trong] đời sau! Nay bà đã sống được mấy chục năm rồi, chẳng biết đã trải qua bao nhiêu tai nạn đao binh, lũ lụt, hạn hán, đói kém, tật dịch v.v… Nếu chưa gặp Phật pháp, chẳng biết phương cách thoát lìa thì sẽ chẳng có phương pháp gì, chỉ đành phó mặc luân hồi sau khi đã chết! Nay đã gặp được Phật pháp, lại còn quy y làm đệ tử Phật, mà vẫn cứ chấp nhặt chẳng tin lời Phật, mặc tình chấp vào ngu kiến của chính mình, suy nghĩ lung tung, mong đời sau vẫn được làm người!
Bà phải hiểu: “Đời sau sẽ được làm người còn khó hơn lâm chung vãng sanh!” Vì sao vậy? Những tội nghiệp đã tạo trong suốt một đời người chẳng biết là bao nhiêu! Khoan đừng nói bà có tạo những tội khác hay không, [chỉ riêng] cái tội ăn thịt giết hại sanh vật từ nhỏ đến lớn quả thật đã nhiều khôn xiết kể rồi! Bà phải phát tâm đại từ bi, cầu sanh Tây Phương. Đợi sau khi thấy Phật đắc đạo sẽ độ thoát những chúng sanh ấy; cậy vào Phật từ lực để có thể chẳng phải đền trả món nợ ấy!
Nếu bà cầu [phước báo] đời sau thì không có đại đạo tâm. Dẫu công phu tu hành tốt đẹp nhưng công đức hữu hạn; bởi đã dùng cái tâm phàm phu nhân ngã (tâm phân biệt ta – người) để tu tập, cho nên chẳng có công đức lớn lao! Huống chi, từ vô lượng kiếp đến nay, chẳng biết bà đã tạo bao nhiêu tội nghiệp? Nếu túc nghiệp phát hiện, nhất định khó trốn khỏi tam đồ, ác đạo. Mong lại được làm người sẽ thiên nan, vạn nan! Do vậy, nói: “Cầu sanh Tây Phương còn dễ hơn cầu đời sau lại được làm người!” Do cậy vào Phật lực gia bị, nên ác nghiệp đời trước dễ tiêu. Dẫu chưa thể tiêu hết, nhưng cậy vào Phật lực nên chẳng đến nỗi phải trả báo.
Phật nói: “Trong thế gian có hai loại tội nhân. Một là phá giới, hai là phá kiến. Tội phá giới còn nhẹ, chứ tội phá kiến rất nặng”. Thế nào gọi là “phá kiến?” Chính là như bà đã nói: “Cầu đời sau, chứ chẳng cầu vãng sanh!” Ấy chính là chấp trước tà vạy, tri kiến sai lầm; đấy chính là tà kiến phá hoại Phật pháp và dẫn dắt hết thảy mọi người khởi lên những chấp trước tà vạy, tri kiến lầm lạc. Tội ấy cực lớn, cực nặng, vì tâm trái nghịch với Phật, lại còn gây lầm lẫn cho hết thảy mọi người!
Tôi nói những lời này, bà đừng nghĩ là tôi bịa chuyện gạt gẫm bà! Tôi muốn gạt bà thì phải nhằm đạt được điều gì đó! [Đằng này], tôi chẳng vì danh lợi, thế lực, lại khơi khơi gạt gẫm bà vốn là một bà lão trọn chẳng biết gì, chỉ gặp mặt một lần, há tôi chẳng trở thành một gã si ngốc hay sao? Do bà tin tưởng tôi, coi tôi là thầy; con bà nói với bà, bà không tin, liền cậy tôi nói với bà, muốn cho bà được liễu sanh thoát tử ngay trong đời này, vĩnh viễn lìa khỏi hết thảy các nỗi khổ trong thế gian, thường hưởng hết thảy sự vui trong Cực Lạc. Bà phải biết tốt – xấu! Tôi đã nói với bà như thế, nếu bà chẳng nghe, vẫn chiếu theo tâm tướng ngu si của chính mình thì là vong ân phụ nghĩa! Đừng nói bà đã cô phụ ân Phật độ chúng sanh, mà còn phụ bạc tôi một phen khổ tâm chẳng tiếc tinh thần nói với bà rất nhiều lời như thế này!
Bà phải nên phát khởi cái tâm quyết định cầu sanh Tây Phương. Lại phải dạy con cái, dâu, cháu, và thân thích, bằng hữu đều cùng phát tâm quyết định vãng sanh Tây Phương ngay trong đời này; đem công đức dạy người ấy phụ trợ cho công đức tu tâm của chính mình. Khi lâm chung, liền được A Di Đà Phật đích thân tiếp dẫn bà lên phẩm vị tối thượng nơi đài sen chín phẩm. Nếu tôi gạt bà tức là Phật gạt người. Vì sao vậy? Tôi nương theo ý Phật để nói với bà. Há có lẽ nào Phật lại gạt người ư? Bà hãy nên bỏ hết những tâm tri kiến kém hèn từ trước thì chắc chắn sẽ được vãng sanh Tây Phương!
(Trích: Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên, quyển 03, thư trả lời mẹ của cư sĩ Trí Chánh.)