Đất chùa Lai Phật nằm ở một nơi hẻo lánh không giàu có, tự viện không người cúng dường, lương thực đều dựa vào tự trồng. Trong mảnh ruộng đồng ngoài tự viện, gần như ngày ngày có thể nhìn thấy bóng dáng của lão Hòa thượng Hải Hiền, đào đất, nhổ cỏ, trồng lương thực, trồng rau cải, còn phải thu dọn sân, nhặt phân nhặt củi… từ sáng đến tối, hết trong đến ngoài bận rộn không ngớt. Có một lần một vị cư sĩ nhìn thấy lão Hòa thượng đang chẻ củi trong chùa, thì khuyên Ngài rằng: “Ngài tuổi tác lớn như vậy rồi, thì đừng làm những công việc này nữa, mệt quá rồi phải làm sao!”
Ngài cười nói: “Làm người có nhiều công việc mà! Tự mình có thể làm thì tự mình làm, đừng trông chờ người khác.” Lão Hòa thượng không thích gây phiền phức cho người khác, tự mình có thể làm được, nhất định không để người khác làm, trừ khi tự mình thực tế không thể làm được, mới để người khác giúp đỡ. Đồ dùng, đồ mặc của chính mình, Ngài đều tự giặt; quần áo rách rồi, Ngài cài cái đê tự mình khâu vá, chưa từng mở miệng làm phiền người khác; cưa, búa, kiềm, cờ-lê dùng trong khi làm việc, Ngài đều tự mình ra phố mua. Ngài thân thể khỏe mạnh, làm việc chuyên chú, động tác thông thạo, công việc thủ công tỉ mỉ. Ngài nói: “Tôi còn có thể đi lại, mắt lại không hoa, có thể làm thì tự làm, cái gì cũng bảo người hầu hạ, vậy thì thụt lùi rồi.”
“Thụt lùi” từ này, ngoài có ý lùi bước, thụt lùi ra, cũng dùng để ví, vì ý chí suy thoái hoặc gặp phải khó khăn mà lui lại. Năm đó lúc chuẩn bị khôi phục xây dựng lại chùa Lai Phật, cư sĩ Vương Xuân Sanh đến núi Đồng Bách thỉnh lão Hòa thượng Hải Hiền đến chủ trì đạo tràng chùa Lai Phật, nhưng lão Hòa thượng bấy giờ đang chuẩn bị khôi phục chùa Tháp Viện, cho nên chỉ phái bốn người đệ tử đến chùa Lai Phật, Ngài thì tự mình ở lại chùa Tháp Viện, chỉ là thỉnh thoảng phải đi chùa Lai Phật trú ít hôm. Bấy giờ, xe hơi rất ít, lão Hòa thượng mỗi lần đều là bộ hành đi đến chùa Lai Phật, đại khái phải đi hơn 120 – 130 dặm đường cơ. Tuy nói lúc bấy giờ thân thể Ngài vẫn cừ như trai trẻ vậy, nhưng rốt cuộc cũng là người ngoài 70 rồi.
Cư sĩ Vương rất thành khẩn nói với lão Hòa thượng: “Sư phụ! Ngài đừng tự đi trở về nữa, khi nào con chạy xe đi gọi Ngài, Ngài mới trở về.” Nhưng lão Hòa thượng không chịu phiền ông ấy, mỗi lần vẫn là y như thế tự mình bộ hành đi đến. Ngay cả lão Hòa thượng đã hơn 100 tuổi rồi, Ngài vẫn như vậy, có thể bộ hành thì không phiền người khác. Lão Hòa thượng có lúc phải ở chùa Thiên Phật của đệ tử Pháp sư Ấn Hàm trọ một khoảng thời gian. Thời gian đó, Ngài có lúc phải ra ngoài làm việc. Trạm xe cách chùa Thiên Phật cũng xấp xỉ 5 dặm, lão Hòa thượng thường xuyên xuống xe rồi đi bộ về. Ngài đã không chịu tiêu tiền thuê xe, cũng không đồng ý phiền hà đệ tử đi đón Ngài. Ngài cả đời tiết kiệm, chịu khó, mọi nơi đều đặt việc giúp đỡ người khác, thuận tiện cho người khác lên hàng đầu, tự mình cực khổ thêm cũng không quan trọng.
Cư sĩ ở Nam Dương thường thường đón lão Hòa thượng đi niệm Phật đường Nam Dương ở mấy ngày. Mỗi lần đi, một cư sĩ trẻ tuổi nhiệt tình phụ trách đón đưa Ngài đều nói với lão Hòa thượng: “Ngài có việc gì thì cứ bảo họ gọi con bất cứ lúc nào, gọi con lúc nào đến lúc đó. Muốn đến nơi nào chơi, thì con lập tức chở Ngài đi.” Lão Hòa thượng cũng chưa từng một lần ra ngoài đi chơi, nhưng có lúc Ngài có thể đến huyện Tây Hiệp cách xa thành phố Nam Dương 100 cây số mua tràng hạt. Mỗi lần đến thời điểm đó, lão Hòa thượng bao giờ cũng hỏi thăm cư sĩ Vương trước mấy ngày: “Dạo này có việc gì không?”
Chắc chắn sau khi nghe thấy cư sĩ Vương nói “không bận lắm”, lão Hòa thượng mới nói với ông ấy biết ý nghĩ và thời gian chuẩn bị đi huyện Tây Hiệp, để cư sĩ Vương sắp xếp lái xe đưa Ngài đi. Lão Hòa thượng Hải Hiền sinh tiền rất thích tự mình xâu tràng hạt, trong túi mang bên mình của Ngài luôn chứa rất nhiều đồ lưu niệm kiểu như tượng Phật, vật trang sức, tràng hạt chuẩn bị sẵn kết duyên với đại chúng khi có thể. Lão Hòa thượng đối xử với người cẩn thận chu đáo, mỗi lần sau khi cư sĩ Vương đưa Ngài về đến tự viện, Ngài đều tìm một số đặc sản của địa phương như khoai lang, đậu phộng tặng cho ông ấy, cư sĩ Vương muốn cho Ngài vui, cho nên mỗi lần cũng đều ngoan ngoãn, vui vẻ nhận lấy.
– Trích: sách Hải Hội Thánh Hiền Lục (Hòa Thượng Hải Hiền)