Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Buông xuống thì được chân thật thụ dụng

Nhìn thấu, buông bỏ
Do sanh diệt quá nhanh, nhanh đến nỗi không cách nào tưởng tượng, nên sanh diệt là chẳng sanh diệt. Câu này có ý nghĩa rất sâu. Nếu thật sự chẳng có sanh diệt, nói “sanh diệt là chẳng sanh diệt”, há phải là lời lẽ thừa thãi ư? Quả thật có sanh diệt, nhưng sanh diệt quá nhanh. Không chỉ năng lực sáu căn của chúng ta chẳng có cách nào thấy được sự sanh diệt này, mà sáu thức của chúng ta tư duy, tưởng tượng nó cũng nghĩ không ra, tốc độ quá nhanh, lục căn, lục thức đều do nó biến hiện. Phải như thế nào thì mới có thể thấy? Chúng ta buông lục căn và lục thức xuống, tự nhiên nó sẽ hiện tiền. Vì vậy, nếu chúng ta hỏi Thích Ca Mâu Ni Phật khai ngộ dưới cội Bồ Đề là như thế nào ư? Trong Phương Trượng Thất, Huệ Năng đại sư nghe giảng kinh Kim Cang khai ngộ như thế nào? Chẳng có gì khác! Giáo pháp Đại Thừa dạy chúng ta: Chỉ cần quý vị buông vọng tưởng, phân biệt, chấp trước xuống, bèn khai ngộ. Những thứ này và cương lãnh tu hành yêu cầu trong Tông Môn có cùng một ý nghĩa, tu hành trong Tông Môn đòi hỏi người ta phải lìa tâm ý thức để tham, tức Tham Thiền. Tham là như thế nào? Lìa tâm ý thức mới gọi là tham; dùng tâm ý thức thì gọi là nghiên cứu. Dùng tâm ý thức để tu học Phật pháp là Phật học; lìa tâm ý thức thì quý vị thật sự học Phật, vì sao? Quý vị thành Phật. Tâm là gì? Tâm là A Lại Da. Nghiệp Tướng trong ba tế tướng của A Lại Da gọi là tâm; Mạt Na là chấp trước, tứ đại phiền não thường nương theo, đó là chấp trước; ý thức là phân biệt. Lìa tâm ý thức là gì? Lìa vọng tưởng, phân biệt, chấp trước; lìa sạch sành sanh, tự tánh bèn hiện tiền.
Hiện thời chúng ta đã hiểu đạo lý này, đã hiểu như thế nào? Đã hiểu gọi là giải ngộ, nhưng chưa có cách nào chứng đắc. Chứng đắc mới hữu dụng, giải ngộ vẫn chưa hữu dụng. Lúc chứng đắc gọi là chứng ngộ, quý vị thật sự buông xuống, buông vọng tưởng, phân biệt, chấp trước xuống. Họ (người đã chứng ngộ) rất lợi hại, đốn xả, đốn ngộ, ngay lập tức buông vọng tưởng, phân biệt, chấp trước xuống. Phàm phu thành Phật trong một niệm; buông một niệm xuống, rất lợi hại! Qua kinh giáo, chúng ta thấy Thích Ca Mâu Ni Phật là như vậy, đó là “căn tánh viên đốn”. Chúng ta thấy Huệ Năng đại sư vào thời Đường tại Trung Quốc cũng là đốn ngộ, đốn xả. Vấn đề là quý vị có chịu buông xuống hay không? Chẳng chịu buông xuống là giải ngộ, buông xuống là chứng ngộ. Nay chúng ta là giải ngộ, huân tập trong giáo pháp Đại Thừa nhiều năm như thế, chúng ta thừa nhận, chẳng hoài nghi tí nào, chúng ta cũng có thể được gọi là căn tánh Đại Thừa trung thượng. Quý vị đã hiểu rõ, minh bạch chân tướng sự thật, chẳng hoài nghi, chẳng buông xuống. Cổ nhân nói: “Ngộ hậu khởi tu” (sau khi ngộ sẽ bắt đầu tu), nay quý vị phải làm gì? Buông xuống. Buông xuống như thế nào? Lúc ăn cơm, buông vọng tưởng, phân biệt, chấp trước xuống; lúc mặc quần áo, buông vọng tưởng, phân biệt, chấp trước xuống; lúc làm việc cũng như thế; xử sự, đãi người, tiếp vật cũng như thế, quý vị bèn thành công, đó gọi là tu hành thật sự!
Đốn xả khó lắm, Phật, Bồ Tát có phương tiện thiện xảo, dạy chúng ta tiệm tu (tu từ từ), từ từ buông xuống. Phải thật sự đoạn trừ tập khí phiền não, “đoạn” (斷) là buông xuống; do vậy, buông xuống là được!
Trích Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa tập 020.
Chủ giảng: Đại Lão Pháp Sư Tịnh Không
Được gắn thẻ ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *