Chư vị phải biết đây là để nói rõ những người tạo tội nghiệp đọa địa ngục nhiều như vậy nên Ðịa Tạng Bồ Tát mới phân thân, phân ra nhiều thân như vậy, [từ việc này] bạn mới biết có bao nhiêu địa ngục! Thế gian này có bao nhiêu người tạo tội nghiệp địa ngục! Ý tứ chính là ở chỗ này. Thế nên nhìn thấy hiện tượng này thật đáng sợ vô cùng! Tại sao chúng sanh tạo tội nghiệp? Vì chẳng có người dạy, hết thảy chúng sanh đều có thiện căn, đều có tâm hướng thiện, tiếc là chẳng có người hướng dẫn, chẳng có người giúp đỡ. Trong kinh này dụng ý chân chánh của Phật chính là dạy chúng ta phải học theo Ðịa Tạng Bồ Tát, phải làm phân thân của Ðịa Tạng Bồ Tát. Chúng ta có thể phát nguyện, có thể tự làm gương mẫu, hướng dẫn, luôn luôn khuyên hết thảy chúng sanh đoạn ác tu thiện, đây là tâm của Ðịa Tạng Bồ Tát, nguyện của Ðịa Tạng Bồ Tát, hạnh của Ðịa Tạng Bồ Tát.
Tứ chúng đồng tu phải nhớ làm gương cho đại chúng ở mọi nơi, ở nhà thì làm gương cho gia đình, ở đạo tràng này thì làm gương cho tứ chúng đồng tu ở đây. Ðừng nói người kia không làm thì tại sao tôi phải làm? Nói vậy là bạn sai rồi. Người đó đọa địa ngục, tại sao tôi không đọa địa ngục? Không phải là ý nghĩa này sao? Ông đó đọa địa ngục, tôi phải cứu ông đó, làm sao tôi cứu ông được? Tôi làm gương mẫu cho ổng thấy, như vậy mới đúng. Ổng tham tiền tài, tại sao tôi không tham? Ổng tranh đoạt quyền lợi, tại sao tôi không tranh? Ðây là làm một hình tượng địa ngục, kéo hết mọi người vô địa ngục, như vậy là sai rồi. Chúng ta nhìn thấy người ta đọa địa ngục, chúng ta phải nêu gương tốt ‘làm thế nào thoát ly địa ngục, siêu việt biển khổ’, như vậy mới đúng. Người khác tham tài, tranh đoạt lợi lộc, rất nhiều người làm, tất cả người trên thế giới đều làm nhưng tôi, cá nhân tôi không làm. Người làm thì mê hoặc điên đảo, người chẳng làm thì giác ngộ, quay về, phải hiểu đạo lý này.
Ở thế giới này dùng miệng để khuyên người rất khó! Bạn khuyên người ta làm, nhưng tại sao bạn không làm? Làm sao người ta tin được? Nhất định tự mình phải làm được thì mới có thể khơi gợi được lòng tin của người khác, mới có thể dẫn dắt người ta hướng thiện, nhất định phải đích thân thực hành. Phật dạy Thánh nữ Bà La Môn như vậy, cũng tức là dạy chúng ta, nhất định phải hết lòng, quay về, dũng mãnh tinh tấn.
(Trích Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh giảng ký – tập 7 / trang 108 , PHẨM THỨ 2: PHâN THâN TẬP HỘI)
Kính mời chư vị đồng học đọc thêm tại: https://hoasenvanno.files.wordpress.com/…/dia-tang…