Đích thật trong đời mạt pháp người tại gia tu hành dễ thành tựu hơn người xuất gia. Tôi nghĩ quý vị cũng đã nhìn thấy sự thật này, nguyên nhân ở chỗ nào?
Vì phạm vi sanh hoạt tiếp xúc của người tại gia chẳng rộng, thân bằng quyến thuộc cũng không nhiều, cho nên tâm của họ dễ thanh tịnh hơn.
Một khi xuất gia rồi, xuất cái nhà nhỏ xong lại đi vào một cái nhà lớn; có gia đình nào của quý vị thường có đông người tụ hợp lại như vầy không ?
Xuất gia rồi thường hội họp với mọi người, bàn bạc chuyện tốt của nhà họ Trương, chê bai chuyện của nhà họ Lý, chuyện bận tâm quá nhiều, như vậy làm sao tâm định được!
Cho nên người xuất gia tu hành khó hơn người tại gia.
Đặc biệt là ngày nay xuất gia rất phiền phức, bị những chuyện thực tế bắt buộc, đạo tràng to lớn thì chi phí nhiều, làm thế nào để có đủ tiền trang trải phí tổn sinh hoạt?
Cho nên chẳng thể không tìm đủ mọi cách để lôi kéo tín đồ, tìm đủ phương pháp để moi tiền trong túi của tín đồ bỏ vào túi của mình, đây gọi là “hòa thượng không bày vẽ, cư sĩ chẳng lại cúng kiếng”.
Mỗi ngày đều phải làm những chuyện này, đây là sai lầm, đúng như lời của đức Phật nói trong kinh: “quảng doanh chúng vụ”, tạo ra vô lượng tội nghiệp, tự bản thân của họ chẳng hiểu, bị bắt buộc phải làm như vậy.
Cho nên xuất gia tu hành khó hơn tại gia, người tại gia sẽ không tạo ra những tội nghiệp này.
Trong đạo tràng Tịnh Tông của chúng ta, tôi khuyên tứ chúng đồng tu, bất kể tại gia, xuất gia tuyệt đối không được lôi kéo tín đồ, tuyệt đối không thể xin tín đồ một đồng xu nào cả, được vậy tâm của bạn mới thanh tịnh; đừng tổ chức pháp hội, đừng làm những chuyện này, hãy “thật thà, chắc thật niệm Phật”.
Khi đạo tràng niệm Phật hết tiền rồi, không đủ để chi tiêu thì phải làm thế nào ?
Cứ việc tiếp tục niệm Phật đợi vãng sanh, thế gian này không đáng cho chúng ta lưu luyến. Vậy thì thong dong tự tại biết bao ? Rất đúng như pháp!
Nếu Phật pháp cần bạn ở đây hoằng dương thì chư Phật, Bồ Tát tự nhiên sẽ đến hộ pháp. Cả đời tôi đều là như vậy, đây là lời của Chương Gia đại sư dạy tôi, tôi đạt được lợi ích từ lời dạy của lão nhân gia.
Năm đó tôi mới hai mươi mấy tuổi, theo thầy học Phật, thầy dạy tôi: “Phát tâm chân chánh vì Phật pháp, dâng hiến cả đời cho Phật pháp, dâng hiến cho chúng sanh, hết thảy mọi việc của con đều có Phật, Bồ Tát lo lắng, chăm sóc cho”
Chủ giảng Lão Pháp sư Tịnh Không
Hoan nghênh lưu thông công đức Vô Lượng . A Di Đà Phật