Nguyện Tu Khổ Hạnh
Đại Ca Diếp là đệ tử duy nhất của Phật thích tu theo lối khổ hạnh đầu đà. Cho dù nhiều người ân cần khuyên Ngài nên chuyển lối tu để thân được thanh thản đôi chút, nhưng Ngài cảm thấy rất thoải mái mà tu hành theo lối nầy từ khi còn nhỏ cho đến lúc già nua.
Đối với người tu khổ hạnh đầu đà thì phải giữ đủ mười hạnh:
- Cần chọn nơi vắng vẻ.
- Chỉ sống bằng cách khất thực.
- Thường ở một chỗ.
- Ngày ăn một bữa.
- Khất thực không chọn lựa.
- Chỉ có ba y, bình bát và tọa cụ.
- Thường ngồi tu duy.
- Thường tịnh tọa chỗ trống.
- Mặc y phấn tảo.
- Thường ở nơi gò mả.
Đối với một nhân vật như Đại Ca Diếp, không muốn đi hóa độ chúng sanh, mà chỉ thích ở riêng một mình và cuộc sống thì quá khắc khổ. Tâm từ bi của tôn giả thật đáng kính phục, nhưng việc hoằng pháp thì chưa đủ.
Trừ Đức Thế Tôn, việc biện luận với ngoại đạo và giáo hóa các tỳ kheo là việc của nhị vị tôn giả Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên, còn Đại Ca Diếp chỉ chuyên tâm tu đạo. Trong khoảng thời gian đức Thế Tôn còn tại thế, Đại Ca Diếp chỉ thỉnh thoảng thuyết pháp cho hàng cư sĩ tại gia mà thôi. Nhưng sau khi Phật nhập diệt, tôn giả bắt đầu thay thế Phật thống lãnh đại chúng. Sau bao năm tu dưỡng trước đây với cuộc sống lặng thinh trầm mặc để giờ nầy phát tiếng ngân lớn vang dội cả không gian.
Lúc đầu, hai tôn giả Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên thường khuyên Đại Ca Diếp nên quên mình để phát tâm Bồ Đề mà ra làm việc hoằng pháp lợi sanh, tuyên dương chân lý. Đại Ca Diếp nhất quyết trả lời:
– Đối với việc hoằng dương chánh pháp, giáo hóa chúng sanh, tôi không thể làm được bởi vì tôi không quên tự ngã nên đó không phải là chuyện dễ. Dạy dỗ những bọn người không tín tâm, ác độc như thế thì tôi thật chẳng có dũng khí và sức lực. Tôi biết chỉ có thể lo tự tu cho mình, cố gắng bền bĩ trong lối tu khổ hạnh để mang lại ảnh hưởng tốt cho lớp hậu sanh mà muốn thực hành pháp môn nầy. Còn nhiệm vụ hoằng pháp lợi sanh lớn lao kia thì phải hoàn toàn trông cậy vào hai vị.
Hai vị tôn giả nghe Đại Ca Diếp nói thế, không hề thất vọng, trái lại còn tán thán:
– Tôn giả đủ khả năng thành lập pháp tràng, về phương diện ấy thật cũng rất khó khăn. Phật pháp có nhiều mặt và mỗi người có thể làm theo lý tưởng và chí nguyện của mình.
Đại Ca Diếp không thích sinh hoạt trong đoàn thể ở tịnh xá Trúc Lâm hay tịnh xá Kỳ Viên. Thậm chí tôn giả không thích hòa vui trong cảnh ấy mà tôn giả chỉ thích tịnh tọa nơi đồng trống hay nơi gò mả và vá y ở dưới gốc cây. Đối với tôn giả thì đống xương trắng hoặc mùi hôi của người chết rất hợp cho việc tu quán vô thường, thông suốt mọi nỗi khổ, thâm hiểu ý nghĩa chữ “không” và đốn ngộ về thuyết vô ngã.
Đại Ca Diếp không sợ mưa to gió lớn, không kể ngày nắng đêm sương, cho nên mặc dù tuổi đã già mà Ngài luôn luôn ở dưới gốc cây trong rừng, hoặc nơi phần mộ xương trắng ở đồng hoang. Đối với Ngài thì tu khổ hạnh đầu đà là sự yên vui, là niềm hỷ lạc và là pháp môn duy nhất để giúp Ngài đạt đến chỗ giác ngộ.
Đức Phật Chia Nửa Tòa
Niên kỷ của tôn giả càng ngày càng cao mà đối với việc tu khổ hạnh đầu đà thì càng lúc càng tinh tấn.
Một hôm, Đức Phật không nỡ nhìn thấy tôn giả tuổi tác quá cao mà cứ sống dãi nắng dầm mưa, ngày đêm phong sương như vậy nên muốn khuyên tôn giả bớt khổ hạnh.
Khi ấy bánh xe pháp dừng lại tại giảng đường Lộc Mẫu thì Đức Thế Tôn cho gọi Đại Ca Diếp. Tôn giả mặc y rách rưới, râu tóc ra dài, chầm chậm đi đến. Các tỳ kheo trẻ chưa biết tôn giả nên khi thấy hình dáng lôi thôi của Ngài đều tỏ ý khinh rẻ, thậm chí có người còn định bước tới ngăn cản không cho đến gần Thế Tôn.
Phật biết ý đại chúng, liền từ xa gọi tôn giả:
– Đại Ca Diếp! Ông đến đó ư! Ta còn chừa phân nửa tòa.Ở đây, ông hãy mau mau đến ngồi.
Các tỳ kheo trẻ tuổi nghe Phật nói, thất kinh. Họ không ngờ ông tỳ kheo già đó là tôn giả Đại Ca Diếp danh chấn tông môn. Tôn giả đảnh lễ Phật xong, lui lại vài bước và bạch:
– Bạch Thế Tôn! Con là đệ tử của Ngài, con thật chẳng dám ngồi tòa dành riêng cho Thế Tôn.
Lúc bấy giờ Đức Phật nói cho đại chúng rõ oai lực vô biên của Đại Ca Diếp cũng như công phu tu tập của tôn giả tương đồng với Thế Tôn. Nếu đời nay, tôn giả không gặp Phật thì Ngài cũng có thể tự giác ngộ và chứng quả vị La Hán Độc Giác.
Qua sự việc trên cho thấy Đức Phật rất quý trọng tôn giả đến thế nào, thậm chí đối đãi Ngài như vị thượng khách cũng như biểu lộ địa vị trọng yếu của tôn giả trong giáo đoàn.
Đức Phật khuyên tôn giả không nên tiếp tục tu khổ hạnh, hãy bỏ bớt “y” thô nặng mà nên mặc ” y” nhẹ của thí chủ cúng dường để tịnh dưỡng tuổi già. Cho dù Đức Phật ủy lạo đến đâu, tôn giả cũng chẳng thay đổi cách tu. Tôn giả thưa với Phật:
– Bạch Thế Tôn! Hạnh đầu đà đối với con chẳng phải là khổ nhọc mà trái lại rất an lạc. Con không bị lo lắng ưu phiền về thức ăn, y phục và không màng sự đắc thất trên thế gian. Con chỉ cảm thấy một sự tự do thanh tịnh mà thôi. Đương nhiên số người phê bình lối sống của con nặng về tự độ mà không độ tha, còn như các tôn giả Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Phú Lâu Na, Ca Chiên Diên thì thay Phật làm nhiệm vụ tuyên dương chân lý, không sợ khó khăn, chẳng tiếc tánh mạng, cổ động bánh xe pháp và ủng hộ chúng sanh thấm nhuần pháp vị để cùng được pháp lạc. Về phần con, tuy không đủ nhiệt tình vì người vì pháp, nhưng con không hề quên ơn Phật và cũng vì muốn báo ơn Phật, con mới tu học khổ hạnh đầu đà. Vì chúng sinh cần cứu độ, hoàn toàn nương vào sự hoằng pháp của tăng đoàn. Các tỳ kheo có khả năng tuyên dương Phật pháp là những bậc pháp sư của tín đồ cũng cần phải kiện toàn tự thân cho chính mình thì mới có thể đảm đương công tác cao quý nầy. Còn bổn phận của tăng đoàn có được kiện toàn hay không? Dĩ nhiên là họ phải tuân theo sinh hoạt nghiêm túc của tăng đoàn để bồi dưỡng đức hạnh cho chính mình. Môn khổ hạnh đầu đà trong Phật pháp cũng là một phương pháp sinh hoạt nghiêm túc. Một khi đã quen được lối sống ấy thì mới có thể kiềm chế nổi khắc khổ, tăng thêm tính nhẫn nại và chịu sống đạm bạc để nhất tâm nhất đức vì pháp và vì chúng sinh. Bạch Thế Tôn! Con vì muốn trực tiếp củng cố tăng đoàn và gián tiếp làm lợi ích cho chúng sinh nên luôn luôn nguyện không xả bỏ khổ hạnh, xin Thế Tôn lượng thứ cho tính cách chấp trước của đệ tử.
Phật nghe xong, rất hoan hỷ. Ngài nhìn Đại Ca Diếp rồi lại nhìn các đệ tử rồi nói:
– Rất tốt! Tỳ kheo các ông có nghe lời trưởng lão Đại Ca Diếp vừa nói không? Tương lai chánh pháp của ta bị hủy diệt, không phải do thiên ma ngoại đạo phá hoại, mà vì sự hủy hoại tan nát của tăng đoàn. Đại Ca Diếp nói rất đúng, muốn hoằng dương Phật pháp để ánh sáng chân lý mãi mãi chiếu sáng trên thế gian, điều trước tiên là phải củng cố tăng đoàn. Mà muốn củng cố tăng đoàn thì tất cả tăng chúng phải sinh hoạt nghiêm túc. Chỉ có người như Đại Ca Diếp mới có thể phụ trách chủ trì chánh pháp của ta.
Phật lại tiếp:
– Này Đại Ca Diếp! Ông cứ tiến tu đạo nghiệp, ta không ép ông. Ông cứ tu theo ý nguyện của mình. Khi nào muốn gặp ta thì cứ tùy thời mà đến.
Đức Phật và Đại Ca Diếp tuy hai mà tâm là một, vì vậy thầy trò rất thông cảm nhau. Đức Phật tiếp đãi Đại Ca Diếp như thượng khách và như bằng hữu. Nhưng tôn giả không hề quên lễ nghĩa mà dùng tư cách thầy trò để đáp lại khiến cho mối tương giao sư đệ càng thêm thâm sâu và nồng hậu.
Mỗi khi nghe đến Đức Phật, Bồ Tát hay các vị A La Hán thì chúng ta đều tưởng tượng rằng các vị ấy lạnh lùng nghiêm nghị như cây khô, đá lạnh và đối với thế gian chẳng chút tình cảm nào. Nhưng thật ra các vị ấy đã biến đổi nhân tình tạp nhiễm thành một thứ tình cảm tự nhiên cao thượng mà chúng ta gọi là từ bi. Hạt giống từ bi nẩy mầm từ cây trí tuệ có sức hút mãnh liệt khiến chúng sanh có cơ hội gần gủi tiếp nhận được nhân cách cao thượng ấm áp ấy để sửa đổi tập khí của mình.
Nơi chốn rừng sâu xanh thẳm của Ấn Độ có cây Sa La trổ hoa bát ngát vào những ngày nóng bức của mùa hạ và với những đêm trăng sáng trải vàng trên vòm lá xanh, Đại Ca Diếp đã tu tập năm nầy qua tháng nọ ở nơi thanh tịnh vắng vẻ mà cái phong tư cao cả của bậc thánh vẫn còn phảng phất đâu đây.
Bài viết của: Lê Sỹ Minh Tùng