Ngày 8 tháng 2 âm lịch hàng năm là ngày kỷ niệm sự kiện Đức Phật xuất gia, đây là một sự kiện trọng đại, một bước ngoặt vô cùng to lớn trong đường tu của Bồ Tát Tất Đạt Đa và cho toàn thể nhân loại.
Lúc Ngài vừa đản sinh đã được nhiều vị tiên tri tuyên đoán Ngài sẽ trở thành một bậc vĩ nhân, trong đó có vị đạo sĩ nổi tiếng tên là A Tư Đà (Asita) xem tướng cho Thái tử. Gặp Thái tử, đạo sĩ A Tư Đà liền chắp tay hết sức cung kính. Ông nói là rất vui mừng vì: “Thái Tử có 32 tướng tốt xuất hiện nên sau này sẽ thành một vị Thánh”, nhưng ông buồn vì giờ tuổi đã cao chắc sẽ không có cơ hội được học pháp của Ngài sau này.
Vua Tịnh Phạn vì lời tiên tri của đạo sĩ A Tư Đà mà lo lắng, do đó ông luôn bao bọc Thái tử dạy dỗ Ngài rất kỹ, không cho tiếp xúc hay chứng kiến các cảnh khổ, bệnh tật, ốm đau, chết chóc… Do đó Ngài luôn sống trong cung vàng điện ngọc, cuộc sống sung túc và luôn luôn vui vẻ.
Vào lúc lên năm tuổi, lần đầu tiên Thái tử nhìn cảnh tương tàn của chúng sinh trong ngày lễ Tịch Điền ngày xuân cùng vua cha. “Ngài thấy bác nông dân và trâu bò phải làm việc cực nhọc dưới ánh nắng gắt. Chim chóc tranh nhau ăn tươi nuốt sống côn trùng đang giãy giụa trên những luống đất mới cày. Cũng trong lúc ấy, trong bụi rậm người thợ săn đang nhắm bắn những con chim, và trong khu rừng gần đấy, bọn hổ báo đang rình bắt người thợ săn”. Thật là tương tàn, người và vật luôn giết hại lẫn nhau để sống, lúc đó tuy còn nhỏ tuổi nhưng Ngài nhận thức rõ ràng rằng sự sống là khổ.
Những dịp sau này khi dạo chơi các cửa thành Ngài chứng kiến cảnh già, bệnh, chết khiến Ngài đau buồn, thương xót chúng sinh vô cùng. Ngài cũng hiểu rằng bản thân mình dù có cuộc sống cao sang, đầy đủ cũng không thể thoát được quy luật này. Nỗi đau đáu thương xót chúng sinh thôi thúc Thái tử ý chí mong muốn giải thoát khỏi già, bệnh, chết. Đến khi Ngài dạo ở cửa Bắc và gặp một vị sa môn tu đạo, Ngài mới vui mừng vì nhận ra con đường giải thoát cho chính mình, đó là chỉ có xuất gia cầu đạo mới con đường cứu khổ cho muôn loài.
Thái tử xin vua cha cho được xuất gia nhưng lại không được sự đồng ý. Thái tử bèn thỉnh cầu vua cha 4 điều, nếu giải quyết được thì Ngài không đi tu. Bốn điều đó là:
1. Làm sao cho con trẻ mãi không già?
2. Làm sao cho con khỏe mãi không bệnh?
3. Làm sao cho con sống mãi không chết?
4. Làm sao cho mọi người hết khổ?
Vua Tịnh Phạn không trả lời được và khiến ông càng thêm lo lắng ý định xuất gia của Thái tử, ông tìm đủ mọi cách để ràng buộc Ngài nhưng vẫn không được.
Vào đêm mùng 8 tháng 2 âm lịch, Ngài quyết định vượt thành xuất gia, từ bỏ tất cả, cuộc sống danh lợi, đầy đủ mà khoác lên mình bộ áo màu hoại sắc của người tu sĩ, bắt đầu cuộc sống không nhà của người xuất gia cầu đạo. Khi đó Ngài mới 19 tuổi .
Sau những năm tháng gian nan tu hành, vất vả, cuối cùng Ngài đã tìm ra “chân lý tối hậu, lý lẽ của sống và chết, ý nghĩa của nhân sinh, của cuộc đời, con đường dẫn tới giải thoát và cõi Niết bàn bất tử. Sau khi rời bỏ cuộc đời vương giả, Thái Tử đi vào vùng rừng sâu tìm Ðạo. Cuối cùng Ngài chứng được Tam Minh, vượt thoát sinh tử và hoằng pháp độ sinh.”
Ngày lễ kỷ niệm Phật xuất gia ý nghĩa vô cùng quan trọng. Là dịp mỗi một người con Phật tán thán công đức to lớn của Đấng từ phụ. Nhân ngày kỉ niệm này, thành kính chúc những người con Phật xuất gia và tại gia đều luôn tinh tấn tu tập để có được niềm chân an lạc, cuối cùng là đạt được sự giải thoát có thể ngay trong đời này cũng có thể trong kiếp sống vị lai. Chúc cho các vị đã có ý chí xuất trần luôn vững tâm, bền chí noi theo gương hạnh của Đức từ phụ mà dũng mãnh trên con đường tu hành đạo giác ngộ này.
Nam Mô Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!