Thuở xưa, vua A-xà-thế muốn cúng dường đức Phật nên dùng đến trăm hộc [1] dầu để thắp đèn sáng rực, dọc theo đường từ cung điện cho đến tinh xá Kỳ Viên, [2] không một chỗ nào là không có đèn sáng.
Bấy giờ trong thành có một bà lão nghèo khó, thấy vua làm việc cúng dường tạo phúc lớn lao như thế thì hết sức cảm kích, liền tự mình cũng mang 2 đồng tiền đi mua dầu để thắp đèn cúng Phật. Hai đồng tiền của bà chỉ mua được 2 cáp dầu, nhưng người bán dầu ngợi khen tâm chí thành của bà nên tặng thêm cho 3 cáp nữa, cả thảy được 5 cáp.[3] Tuy vậy, số dầu này ắt cũng không đủ để đèn của bà cháy sáng đến quá nửa đêm. Khi ấy, bà lão mang dầu thắp đèn cúng Phật, tự phát lời thệ nguyện rằng: “Nếu tôi ngày sau có thể chứng đắc đạo quả như Phật, nguyện cho số dầu này sẽ cháy được suốt đêm, ánh sáng không bao giờ tắt mất.” Phát thệ nguyện xong, kính cẩn lạy Phật rồi về.
Trong đêm ấy, những ngọn đèn của vua A-xà-thế tuy có sai người chăm sóc châm dầu, nhưng vẫn có ngọn còn sáng, có ngọn bị tắt, không được đều đặn như nhau. Chỉ riêng ngọn đèn của bà lão nghèo vẫn luôn sáng rực suốt đêm đến sáng.
Lúc trời đã sáng, ngài Mục-kiền-liên vâng lời Phật dạy đi tắt đèn, dùng áo cà-sa quạt cho ngọn đèn của bà lão nghèo tắt đi, nhưng đèn không tắt mà ngược lại còn sáng thêm lên. Đức Phật dạy: “Ánh sáng của ngọn đèn ấy không phải oai thần của ông có thể dập tắt được. Bà lão này đời trước đã từng cúng dường mười tám triệu đức Phật, sau ba mươi kiếp nữa sẽ thành tựu quả Phật, hiệu là Tu Di Đăng Quang Như Lai. Bà ấy chỉ do một đời trước không thường tu hạnh bố thí, nên đời này phải chịu nghèo khổ.”
Lời bàn: Như trường hợp này, quả thật là:
Tu huệ không tu phước
La Hán thường đói thiếu.
Cho nên, đối với việc tu tập hạnh lành bố thí, quả thật không thể xem thường mà bỏ qua.
[1] Hộc: đơn vị đo lường thời xưa, dùng đo dung tích. Mỗi hộc có 10 đấu, mỗi đấu có 10 thưng, mỗi thưng có 10 cáp.
[2] Tinh xá Kỳ Viên nằm về phía nam thành Xá-vệ, cách thành 6 dặm.
[3] Mỗi cáp chỉ bằng một phần ngàn của hộc, nên số dầu này có thể hình dung là rất ít.
Trích An Sĩ Toàn Thư – Khuyên Người Tin Sâu Nhân Quả
Nguyên tác Hán văn: Âm Chất Văn Quảng Nghĩa
Tác Giả: Chu An Sĩ
Việt dịch và chú giải: Nguyễn Minh Tiến