Trong lịch sử Trung Quốc có một vị hoàng đế với cuộc đời huyền thoại. Tương truyền ông từng là một con giun đất, đầu thai ba lần rồi trở thành hoàng đế, sống tới 80 năm.
Có rất nhiều câu chuyện luân hồi được ghi chép trong dân gian. Có người từng nhớ mình là động vật ở kiếp trước, cũng có nhà sư có công năng có thể nhìn thấu tiền kiếp của mình. Dưới đây là câu chuyện lưu truyền của Lương Vũ Đế, hoàng đế khai quốc triều Lương thời Nam – Bắc triều trong lịch sử Trung Quốc.
Mục lục
Lần thứ nhất: Sự tái sinh của giun đất
Vào cuối thời Đông Tấn, có một con giun đất sống trong chùa, nó ngày ngày sớm tối nghe thiền sư tụng kinh trong 3 năm, đắc được cơ duyên tu luyện. Một hôm, sa di (hòa thượng mới xuất gia) làm cỏ trong sân vô tình chém đứt đôi mình giun đất. Sa di luôn miệng nói: “Tội lỗi! Tội lỗi!”. Rồi đem nó đi chôn.
Nhưng giun đất vì nghe kinh Phật mà có cơ duyên đầu thai đắc thân người. Nó tái sinh vào một gia đình nghèo ở Giang Tô, thành một cậu bé tên là Phạm Đạo. Cha mẹ qua đời khi cậu mới lớn lên. Phạm Đạo liền xuất gia đến chùa Quang Hóa, Pháp danh Phổ Năng, theo sư phụ Hư Cốc tu luyện. Anh ta biết điều, chịu khổ, ân cần cung phụng các trưởng lão trong chùa.
Tuy không biết chữ nhưng Phổ Năng có thể học thuộc lòng Kinh Pháp Hoa. Dù sớm hay muộn, hễ rảnh rỗi, anh liền nỗ lực tụng niệm kinh Phật, trải qua hơn 30 năm tinh tấn. Một ngày nọ, Phổ Năng nghe tin Thiền sư Đại Đồng của chùa Vạn Phật toạ hoá (1), cũng động ý niệm muốn chuyển kiếp. Sư phụ dặn dò anh ta: Giữ tâm an tịnh, chớ động vọng niệm, đến một nơi tốt. Vì vậy Phổ Năng liền có thể tọa hóa đi.
Lần thứ hai: Phổ Năng tái sinh thành Hoàng Phục Nhân
Lần này, Phổ Năng chuyển sinh tới gia đình một viên ngoại (2) họ Hoàng. Nhưng khi mới sinh, đứa trẻ khóc không dứt, sữa cũng không ăn, khiến hai vợ chồng Hoàng viên ngoại lòng như lửa đốt.
Có người nói với họ đến chùa Quang Hóa thỉnh nhà sư Hư Cốc xem rốt cuộc là chuyện gì. Nhà sư Hư Cốc biết chuyện liền tới nhà Hoàng viên ngoại. Ông sờ đầu đứa trẻ, nói thầm mấy câu vào tai, đứa trẻ liền nín khóc. Nguyên lai là Phổ Năng muốn sư phụ thọ ký cho mình.
Khi con trai được một tuổi, Hoàng viên ngoại đưa con đến chỗ sư phụ Hư Cốc, đứa trẻ được đặt Pháp danh là Hoàng Phục Nhân. Hoàng Phục Nhân một lòng muốn tu luyện, đến 15 – 16 tuổi, gia đình cưới cho anh người vợ là con gái của thái úy. Nhưng cô gái này cũng đã đọc Kinh Phật khi còn nhỏ và có ý định xuất gia. Kết quả là sau kết hôn, họ không thành vợ chồng, ngày ngày tụng niệm kinh Phật, ngồi thiền.
Ba năm trôi qua, một ngày hai người đang nhập định thì Hoàng Phục Nhân nhìn thấy một mỹ nữ tiến đến, quấn lấy anh ta. Anh hơi động tâm, nhưng trong lúc đó, anh nhìn thấy ánh lửa quanh quẩn bên mình. Phục Nhân nói điều này với sư phụ Hư Cốc.
Ông trả lời: Khi dục niệm và chấp trước cùng nhau, liền bị ràng buộc, vấp váp ở đó. Ngươi phải chuyển sinh một lần nữa để giải khai duyên nợ ở những phương diện khác mới có thể viên mãn. Hai người đều chuyển kiếp đi. Tu luyện trong quá khứ rất nghiêm khắc rất khổ, bởi vì một chấp trước mà hai người phải luân hồi trong đau khổ.
Cả hai trở về nhà, nói với chuyện này với mẹ nuôi và hai tỳ nữ, rồi họ cùng nhau tọa hóa bởi vì người mẹ nuôi này bình thường cũng theo vợ Phục Nhân tu luyện.
Lần thứ ba: Hoàng Phục Nhân chuyển sinh thành Lương Vũ Đế
Khi Phục Nhân tọa hóa, đúng lúc vợ Tiêu Thuận Chi, họ hàng xa của Nam Tề Cao Đế sắp sinh. Ban đêm, vợ Tiêu Thuận Chi mơ thấy một người đàn ông cao hơn trượng mặc trang phục vua chúa, mang chuỗi ngọc, cả người phát ánh sáng vàng kim đi vào phòng bà bái lạy. Bà kinh ngạc đang định hỏi thì tỉnh giấc và hạ sinh một bé trai.
Đứa trẻ sinh ra đã có dung mạo uy nghiêm, mắt hổ mặt rồng, trên cổ có vòng hào quang, tay phải có ấn chữ Vũ, được đặt tên là Tiêu Diễn (Tên húy của Lương Vũ Đế). Tiêu Diễn có tài năng thiên bẩm về quân sự và văn học nghệ thuật, danh tiếng hiển hách khi mới 7, 8 tuổi.
Thuở thiếu thời, Tiêu Diễn đã thông minh lại thích đọc sách, trở thành một thiếu niên bác học đa tài, nhất là về phương diện văn học thì rất có thiên phú. Vào thời điểm đó, ông và 7 người bạn được xưng là “Bát hữu”, trong đó bao gồm những cái tên nổi danh lịch sử như Thẩm Ước, Tạ Thiếu, Phạm Vân… Theo lưu truyền, trong số những người bạn của ông có người là mẹ nuôi và hai tỳ nữ năm xưa cùng ông tọa hóa chuyển sinh.
Sa di giết giun đất
Theo Triều Đình Thiêm Tải (朝野佥载) có một thiền sư trong thời Nam triều hết sức tinh tấn và đã có thần thông. Lương Vũ Đế nghe được chuyện kể về nhà sư, rất kính trọng nên sai người thỉnh ông vào cung.
Một hôm, Vũ Đế đang chơi cờ tướng thì sứ giả tới tâu: “Thưa bệ hạ, nhà sư mà người cho tìm đã đến”. Lương Vũ Đế đang chăm chú đánh cờ, muốn ăn quân cờ của đối phương liền nói “Giết chết!”. Sứ giả nghe vậy liền đưa nhà sư đi chém đầu.
Khi ván cờ kết thúc, Vũ Đế nhớ ra mời nhà sư vào điện nhưng sứ giả đã phụng mệnh giết ông ta rồi. Lương Vũ Đế bàng hoàng khổ sở hỏi nhà sư trước khi chết đã nói lời gì.
Sứ giả tâu: “Nhà sư nói: ‘Bần tăng vô tội, ta trong kiếp trước lúc đào đất đã giết lầm một con giun. Hoàng thượng lúc ấy chính là con giun đất này. Bây giờ ta đã phải chịu quả báo này”. Hoàng đế nghe xong rơi nước mắt hối hận.
Gặp vợ kiếp trước, hóa giải nhân duyên
Vì chuyện chặt nhầm đầu nhà sư mà Vũ Đế mấy ngày buồn rầu. Thẩm Ước, người bạn của ông, nhìn thấu tâm tư hoàng đế nên phái người đi tìm cao tăng. Nghe nói 10 dặm bên ngoài đô thành có một nhà sư Pháp danh Lâm Chi Công, Thẩm Ước liền báo cáo với Lương Vũ Đế. Hoàng đế nghe vậy trong lòng rất mừng, tự mình xuất cung đến đón nhà sư.
Khi đến lều của của nhà sư Chi Công, hoàng đế hạ mình bái lạy Chi Công làm sư. Hành lễ xong, Chi Công nói: “Mời bệ hạ ngồi, để bần tăng bái lạy”. Vũ Đế kinh ngạc “Xưa nay ta chưa hề thấy sư phụ lạy đồ đệ?”. Nhà sư liền đáp “Cũng chưa thấy thê tử nào ngang hàng phu quân”.
Nghe xong câu này, hoàng đế trong người tê dại, đột nhiên thấu tỏ. Chi Công chính là người vợ trong kiếp trước của mình, Hoàng Phục Nhân.
Vũ Đế mời nhà sư Chi Công vào triều. Mỗi ngày, sau khi bãi triều, ông liền đến chỗ nhà sư tu tập. Sau đó, Chi Công nói ở hoàng cung bất tiện, hoàng đế quyết định dùng số tiền lớn xây một ngôi chùa ở núi Bạch Hạc. Đặt tên là Đồng Thái Tự, nghĩa là hai vợ chồng cùng bước tới đất Phật.
Lòng đầy oán hận, đố kỵ, khi chết chuyển sinh thành rắn
Thực ra trong cuộc đời Vũ Đế cũng từng tận mắt chứng kiến chuyện luân hồi. Trong “Lương Hoàng Bảo Sám” có ghi chép câu chuyện về Hoàng hậu Hi Thỵ của Lương Vũ Đế.
Chuyện kể mấy tháng sau khi hoàng hậu qua đời, một hôm vào lúc đêm khuya, Vũ Đế nghe tiếng động lạ bên ngoài. Ông đi ra xem thì thấy một con mãng xã lớn giương mắt nhìn. Vũ Đế trong lòng kinh hãi, liền nói với con rắn: “Cung điện của Trẫm là nơi nghiêm mật, không phải là đất của lũ rắn các ngươi, xem ra ngươi đích thị là yêu nghiệt”.
Con rắn liền đáp lời: “Hoàng đế ơi! Thiếp chính là Hy Thị. Thiếp khi còn sống thích tranh giành ân sủng, thường sinh tâm oán giận, đố kỵ nên khi chết rồi thiếp phải đọa thân mãng xà. Ngày đêm đau khổ, thân thể tanh hôi, vi vẩy đều bị sâu trùng rúc rỉa nhức nhối không chịu được. Nhớ lại tình cảm sâu sắc xưa kia nên thiếp mới dám hiện ra hình mạo xấu xí, hy vọng khẩn cầu một ít công đức, thoát khỏi thân mãng xã”.
Rắn nói xong liền biến mất. Hoàng đế kể chuyện này với nhà sư Chi Công, nhà sư nói: “Nhất định phải lễ Phật sám hối mới có thể tẩy trừ tội nghiệp.”
Theo lời thỉnh cầu của nhà vua, nhà sư Chi Công triệu tập các danh tăng soạn ra Sám Pháp và lập Đàn tràng làm lễ sám hối cho Hoàng hậu, nhà vua cũng thành tâm lễ bái. Có một hôm, bỗng có mùi hương lạ thơm ngào ngạt bay khắp gian phòng. Lương Vũ Đế thấy một người nói: “Ta trước là mãng xà, nhờ hoàng đế làm công đức nên ta đã được siêu sinh Đạo Lợi. Nay đến cảm ơn”. Nói xong liền biến mất.
Lương Vũ Đế tu hành
Sau khi đăng vị, Vũ Đế đã hạ chiếu nói mình sẽ xuất gia cùng nhà sư Huệ Ước tại điện Chính Giác. Trong quá trình xuất gia, trên bầu trời có mưa móc, còn có hai con chim công bay đến cửa điện khiến Vũ Đế rất vui mừng.
Tới tham gia nghi lễ xuất gia có mấy trăm ngàn quan khách, là thịnh hội chưa từng có. Mặc dù Vũ Đế đã xuất tâm tu luyện nhưng còn nhiều tâm người thường chưa buông bỏ, ít nhất còn hết sức thích thể diện. Khi thọ giới, ông đóng cửa và dập dầu bái lễ với sư phụ Huệ Ước. Ông còn nói nhỏ: “Đệ tử bái lễ, xin chớ để người ngoài biết”.
Nhìn đệ tử, sư phụ Huệ Ước hợp chưởng bay vào trong chiếc bình, khoanh chân kết ấn, một lát sau lại hóa thành mây ngũ sắc bay ra. Ông nói với hoàng đế: “Chuyện bần tăng hóa thân vào chiếc bình, mong bệ hạ cũng chớ nói cho người ngoài biết”. Người tu luyện gặp nhiều chuyện thần thánh yêu ma. Sẽ sinh ra thần thông quảng đại, trường sinh bất lão. Đây là điều bất cứ thứ gì ở nhân gian đều không thể sánh bằng. Tu luyện thần thánh cao quý như vậy, có gì để hổ thẹn chứ.
Sau này, Lương Vũ Đế nghiêm túc tuân thủ giới luật, mỗi ngày chỉ ăn chay một bữa. Ông ở nhà đơn sơ, giường mộc mạc trong chùa, dùng bộ đồ trà và bát đĩa bằng đất sành. Tuy xuất thân là hoàng đế cao quý, nhưng ông lại sống như một nhà sư khổ hạnh.
Từ 50 tuổi, ông không rượu chè, không nghe nhạc. Ông quản lý mọi việc, siêng năng chính sự, mùa đông qua canh tư mới ngủ, đêm khuya trời giá rét vẫn chuyên cần làm việc đến mức bàn tay cóng nứt nẻ. Ông cũng là người yêu thương dân chúng, gần gũi người hầu, khoan thứ cho nhiều tội phạm.
Lương Vũ Đế không chỉ chuyên cần tự bản thân tu hành mà ông còn muốn hoằng dương Phật pháp. Dưới thời Vũ Đế, từ tông thất đế vương đến bách tính bình dân đều sùng tính thờ Phật. Phật giáo trở thành quốc giáo, hưng thịnh chưa từng có.
Một ngày nọ, Vũ Đế cảm thấy trong miệng rất đắng, sai người đi tìm mật ong mà không tìm được, cuối cùng đã chết trong điện Văn Đức. Cùng lúc đó, nhà sư Chi Công trong Đồng Thái Tự cũng ngồi xuống mà tọa hóa đi.
Xây chùa lễ phật công đức bao nhiêu
Trong số 480 ngôi chùa ở Nam Triều có rất nhiều là do Lương Vũ Đế xây dựng. Nhiều người cho rằng đây là chuyện công đức vô lượng. Tuy nhiên theo ghi chép, Vũ Đế đã từng gặp gỡ Sư tổ Thiền tông Bồ Đề Đạt Ma.
Vũ Đế hỏi: “Đại sư, từ khi lên ngôi, con đã tu sửa chùa chiền, sao chép kinh sách, cấp dưỡng vô số tăng nhân. Vậy con có công đức gì?”.
Tổ sư Đạt Ma nói: “Không có công đức”.
Võ Đế nghe vậy bực mình, bèn hỏi lại: “Vậy phải thế nào mới tính là có công đức?”.
Tổ sư liền nói: “Những việc con làm chẳng qua chỉ là hình thức bề ngoài. Mặc dù xuất phát điểm là tốt, coi như là Thiện quả nhưng không thể là Chính quả”.
Hoàng đế vội vàng hỏi: “Làm thế nào mới có thể có công đức thực sự?”.
Tổ sư Đạt Ma trả lời: “Chân chính tu chính mình, để cho bản thân thật sự thanh tĩnh, có trí huệ, cảm nhận được cảm giác trống không vắng lặng. Đây mới là công đức thực sự, mà không phải hướng ngoại cầu lấy điều gì”.
(1) Tọa hóa: Trong đạo Phật chỉ Hoà thượng ngồi chết
(2) Viên ngoại: Tên một chức quan thời xưa
Theo Sound of Hope
Ngọc Mai