“Nói về ăn chay thì vốn là thương chúng nó đau khổ, nuôi dưỡng lòng nhân từ của ta. Mỡ và thịt nào có phân biệt chi, nước súp thịt cũng chớ nên ăn. Nhưng chúng sanh căn tánh khác nhau, nếu ăn chay trường được thì dạy họ trường trai. Nếu không, dạy họ giữ Thập Trai, Lục Trai, ăn những món rau ở cạnh thịt. Đấy chính là pháp phương tiện cho [những ai] không ăn chay trường được, chứ không phải là thật nghĩa!
Ông đã khổ vì bệnh, hãy nghĩ thương nỗi khổ của chúng sanh, nên ăn đồ chay thanh tịnh, đừng để miệng bụng làm lụy tâm tánh. Phàm những thứ có tri giác đều chẳng nên ăn. Tuy không có tri giác nhưng có mầm sống như các loại trứng cũng không nên ăn. Uống sữa bò thì không trở ngại gì, nhưng sữa cũng là lấy chất bổ béo của bò để bồi bổ thân thể ta; do vậy, cũng không nên dùng.
Đậu nành, dầu đậu nành có nhiều chất bổ nhất, hãy nên thường dùng. Trong cháo ăn điểm tâm nên bỏ thêm đậu nành đã xay vỡ. Với loại dầu để thường ăn thì chuyên dùng dầu đậu nành, so với mỡ heo, [dầu đậu nành] có nhiều chất bổ hơn, sao lại khổ sở đem tiền chuốc họa để mong được bồi bổ ư? (bởi ăn thịt sẽ mắc nợ giết chóc, nên nói là “chuốc họa”). Người ăn mặn nếu chịu ăn chay chắc chắn ít bệnh, khỏe mạnh, bởi ăn thịt gây trở ngại cho phép dưỡng sinh, ăn chay có tác dụng dưỡng sinh.
Mắm tôm độc nhất, muôn vàn chớ có ăn, vì lúc làm, người ta đào một cái hố to bên bờ biển, trong vòng năm sáu tháng, đánh bắt các loài tôm và những thứ cá nhỏ, đổ vào trong hố, phơi dưới nắng gắt, cả hố trở mùi, thối suốt mấy dặm. Những loài ruồi, kiến, rắn v.v… ưa mùi đó đều tự gieo mình chết ngủm trong hố. Đến khi mắm đã ngấu, bèn cà nhuyễn, đựng trong sọt đem bán. Người ăn mặn coi như món hàng quý báu, đáng thương quá chừng! Đây là do một vị Tăng trông thấy cách làm kể cho Quang nghe.
Ông đã ăn chay, nếu chẳng thể làm cho cả nhà ăn chay thì bảo họ hãy bớt ăn [mặn] đi, chớ mua con vật còn sống về giết trong nhà, trong nhà hằng ngày giết chóc sẽ trở thành chỗ giết hại, xui xẻo lắm đấy! “
Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên – Quyển hạ Thư trả lời cư sĩ Bào Xung Sĩ
(năm Dân Quốc 20 – 1931)