Kinh văn: nếu trong mười ngày trai này, đối trước hình tượng của Phật, Bồ Tát, cùng chư hiền thánh mà đọc tụng kinh này một biến thì xung quanh chỗ người đó ở, bốn hướng đông, tây, nam, bắc, trong khoảng một trăm do tuần sẽ không có các tai nạn. Còn trong nhà của người đó hoặc già hoặc trẻ, trong trăm ngàn năm hiện tại và vị lai, xa lìa ác đạo. Quả báo này quá thù thắng, nên nhiều người thấy trong kinh này nói như vậy bèn nghi ngờ.
Họ cho rằng Kinh này quá khoa trương, chẳng phù hợp với chân tướng sự thật. Cách nói này thật ra là sai lầm, họ chẳng hiểu rõ nghĩa thú nói trong Kinh Phật. Kệ khai Kinh nói: “Nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa”, câu này rất quan trọng, bạn đã giải sai ý nghĩa của Phật rồi, đây là Kinh Đại Thừa, chẳng phải là Kinh Tiểu Thừa. Kinh Đại Thừa là cho Bồ Tát tu học, phàm phu có thể tu Bồ Tát hạnh được không? Có thể chứ, Kinh Hoa Nghiêm thù thắng nhất, người đương cơ trong ấy gọi là Đại Tâm Phàm Phu, phàm phu có thể tu học, phàm phu có thể học Bồ Tát Pháp, có thể học pháp môn của quả địa Như Lai, như vậy thì Phật Pháp mới viên dung vô ngại. Nhưng bạn nhất định phải phát đại tâm, (tâm rộng lớn), đại tâm tức là chẳng vì mình, mà vì hết thảy chúng sanh, như vậy là đại tâm, có đại tâm thì có thể tu học Pháp của Đại Thừa Bồ Tát.
Do đó có thể biết, trong Kinh nói “đọc kinh này một biến”, chữ “đọc” nhất định chẳng có nghĩa là chúng ta nhìn Kinh này, đọc một lần, thế thì quả báo này chắc chắn sẽ không đạt được. Phải “đọc” như thế nào? Đọc xong phải có thể “giải” (hiểu) ý nghĩa trong đó, “giải” xong phải có thể y giáo phụng hành. Bạn coi câu cuối của mỗi bộ Kinh đều ghi “tín thọ phụng hành”, nếu làm chẳng nổi bốn chữ này, mỗi ngày bạn đọc một trăm lần thì cũng chẳng được, như việc niệm Phật, cổ đức châm biếm người ta, nói “hét bể cổ họng cũng uổng công”, đọc Kinh cũng vậy, “hét bể cổ họng cũng uổng công”. Đọc Kinh phải y giáo phụng hành, niệm Phật cũng phải y giáo phụng hành. Nghe câu Phật hiệu, nhìn thấy tượng Phật thì phải nghĩ đến lời răn dạy của Phật trong Kinh điển, là mượn Phật hiệu và tượng Phật này để nhắc nhở chính mình, đừng quên lời giáo huấn của đức Phật, chúng ta phải thực hiện những lời giáo huấn này trong đời sống hằng ngày. Không những mình phải làm như vậy, còn phải khuyên người ta làm với mình, như vậy mới gọi là “đọc Kinh”. Nghĩa là nói một tháng bạn đọc mười lần, bạn sẽ chẳng quên.
Phật dạy người xuất gia chúng ta trì giới, mỗi nửa tháng phải đọc Giới Kinh một lần, tại sao vậy? Vì sợ quên mất. Nửa tháng tụng một lần để ôn lại, phải y giáo phụng hành, chứ chẳng phải niệm cho Phật, Bồ Tát nghe. Hàn Sơn, Thập Đắc châm biếm chuyện tụng giới nửa tháng, ý châm biếm là gì? Nửa tháng chỉ đọc một lần, lúc thường ngày thì một điều cũng chẳng làm nổi, vậy thì đâu có ích gì ! Phải nên tuân giữ từng điều trong Giới Kinh, phải làm cho bằng được từng điều mới đúng. Đọc Kinh cũng như vậy, Kinh Địa Tạng dạy chúng ta những lý luận, nguyên tắc, phương pháp này, chúng ta phải làm ! Việc này còn tốt hơn việc tụng giới mỗi nửa tháng. Một tháng tụng Giới Kinh hai lần, ở đây dạy bạn mỗi tháng đọc mười lần. Hiện nay chúng ta không niệm Kinh Địa Tạng, chúng ta niệm Kinh Vô Lượng Thọ được không? Được chứ. Kinh Vô Lượng Thọ bao gồm Kinh Địa Tạng, nói thật ra chẳng có Kinh nào mà Kinh Vô Lượng Thọ chẳng bao gồm, toàn bộ Phật pháp đều rút gọn trong kinh Vô Lượng Thọ.
Trích: Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Giảng Ký :
Chủ Giảng : HT Thượng Tịnh Hạ Không.
Nam Mô A Di Đà Phật
Nam Mô A Di Đà Phật
Nam Mô A Di Đà Phật