Lão Hòa thượng Hải Hiền nhìn cái thế gian này cái gì cũng tốt: thuận cảnh tốt, nghịch cảnh tốt, ác duyên cũng tốt, không có gì là không tốt, tất cả đều tốt. Ngài đã từng nói với các đệ tử: “Trong mắt của ta, tất cả đều tốt, không có gì là không tốt. Thấy gì cũng nói tốt, thấy gì cũng vui vẻ, trong tâm mới thường có pháp hỷ sung mãn, trong tâm mới có thể thanh tịnh, mới không phiền não, mới không giận hờn, hận người. Không phân biệt cái này tốt cái kia xấu, cũng không có cái này ăn ngon, cái kia không ngon, tất cả đều tùy duyên, thì có thể an tâm rồi.”
Ngài đối với tất cả người, việc, vật không có tâm phân biệt, không có tâm chấp trước, trong tâm rõ rõ ràng ràng, biết được tất cả đều là tự tánh biến hiện ra, có gì không tốt? Huống hồ trong Kinh Hoa Nghiêm nói: “Tất cả chúng sanh vốn dĩ là Phật”, “tất cả chúng sanh đều có trí tuệ đức tướng Như Lai”, nói như vậy, thì càng không thể xem thường người khác, khinh thường người khác rồi. Vì vậy, trong cuộc sống bồi dưỡng đức tính khiêm tốn của mình, không kiêu căng, đối với mọi người cũng tôn kính, đối với mọi người cũng hoan hỷ, tâm thanh tịnh bình đẳng mới có thể hiện tiền.
Lão Hòa thượng cả đời không hủy báng ai, không phê bình ai. Trong Kinh Vô Lượng Thọ nói: “Khéo giữ khẩu nghiệp, không nói lỗi người”, lão Hòa thượng Hải Hiền làm được rồi, cả đời không nói lỗi của người khác, không xem thường ai, đối với mọi người đều chân thành, cung kính (trong cung kính có khiêm tốn), đây là giáo huấn của Phật, bản thân lão Hòa thượng Hải Hiền đều làm rất tốt. Người Trung Quốc nói lễ, trong lễ quan trọng nhất chính là uy nghi. Khúc Lễ viết: “Vô bất kính, nghiễm nhược tư, an định từ, an dân tai”. Những câu trong Lễ ký – Khúc Lễ, đã nói lên hết tinh thần của lễ.
“Vô bất kính” cùng một ý nghĩa với điều thứ nhất trong thập nguyện Phổ Hiền Bồ Tát “Lễ kính chư Phật”, cũng là câu đầu tiên, nói trước tiên phải cung kính, do vậy mà biết, giáo dục của thế pháp và xuất thế pháp, đều là lấy lễ kính làm căn bản làm người. Lão Hòa thượng nhìn thấy gì cũng tốt, thấy gì cũng vui vẻ, đúng thật là “Vô bất kính”! Mười nghiệp thiện mà Thích Ca Mâu Ni Phật thường nói, bao gồm thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp, “Vô bất kính” là ý nghiệp, trong tâm có 2 chữ “hiếu kính”, đối với người, với việc, với vật thường giữ tâm cung kính, không dám có chút ngạo mạn. Tại sao phải cung kính? Bởi vì toàn vũ trụ với chính mình là một thể. Tất cả pháp là tự tánh sanh ra, tự tánh là chân tâm, là lý thể, nói một cách khác, quan hệ của tất cả pháp với chính mình là một thể.
“Nghiễm nhược tư” là thân nghiệp, giống như bản thân rất chuyên tâm suy nghĩ một vấn đề trọng đại, thái độ rất nghiêm túc, đây là nói thân phải đoan chánh, trang nghiêm. Nói chuyện phải “An định từ”, lời nói khẳng định, nhẹ nhàng, đây là khẩu nghiệp. Đối với ngôn ngữ của chúng ta, Phật thường nói chúng ta phải “không vọng ngữ, không lưỡng thiệt, không nói dối, không ác khẩu”, đây chính là an định từ. Điều thứ ba làm được rồi, hiệu quả chính là “An dân tai”, gia đình an hòa, xã hội an định, thiên hạ thái bình. Những chữ này mỗi một người đều có thể làm được. Tiếp theo trong Lễ ký nói: “Ngao bất khả trường, dục bất khả tòng, chí bất khả mãn, lạc bất khả cực”, nếu không thì trái ngược với tâm cung kính. Nếu như nội tâm cung kính, thì người tự nhiên khiêm tốn, tự nhiên có thể buông bỏ dục vọng. Chỉ có tương ưng với tâm thanh tịnh, tương ưng với đạo đức, mới có thể thực tiễn hiếu kính, mới có thể nảy sinh tác dụng.
Một năm trước khi lão Hòa thượng vãng sanh, nói đến chủ đề của trụ trì, lão Hòa thượng nói với một vị cư sĩ: “Tôi không biết chữ, sao làm trụ trì?… Bây giờ tôi chỉ biết niệm Phật của tôi”. Thời đại này của chúng ta, Phật pháp suy rồi, vẫn có người tranh làm trụ trì của ngôi chùa nhỏ, tranh làm người quản lý, lão Hòa thượng Hải Hiền khiêm tốn, không xem mình là lớn nhất. Người cung kính người khác có phước, người khiêm tốn có phước. Trong 64 quẻ của Dịch Kinh, mỗi một quẻ đều có hung có cát, trong tốt có xấu, trong xấu có tốt, duy nhất có 1 quẻ chỉ có cát không có hung – lục hào đều cát, quẻ này gọi là quẻ khiêm. Dị học gia giải quẻ này: Người được quẻ này, cát lợi bình an, vạn sự đều đạt; tiền đồ của người khiêm tốn nhường nhịn rất lớn.
Quẻ tượng của quẻ khiêm là “Địa sơn khiêm”, phía trên là đất; phía dưới là núi, núi ở dưới đất, nội cao ngoại ti, cao mà không kiêu, đây là ý nghĩa của khiêm. Vì vậy, cho dù chúng ta có trí cao, đức cao, hạnh cao, đối với tất cả người, việc, vật nên có biểu hiện khiêm tốn, không có gì bằng người. Áp dụng đạo lý này vào trong cuộc sống, thì chúng ta đối với bất kỳ ai – bao gồm người ngu ngốc nhất, người nghiệp chướng sâu dày, đều khiêm tốn cung kính. Lão Hòa thượng Hải Hiền đầy đủ khiêm tốn, cung kính, chân thành, thanh tịnh, đây là phước đức; lão thật, nghe lời, thật làm, đây là thiện căn của Ngài, sư phụ của Ngài truyền dạy cho Ngài một câu Phật hiệu, đây là duyên: người đầy đủ thiện căn, phước đức, nhân duyên như vậy, làm sao không thành tựu!
Khi giảng kinh Pháp sư Tịnh Không nói, theo phán đoán của Ngài, sau khi Lão Hòa thượng Hải Hiền xuất gia lúc 20 tuổi, niệm Phật ba năm, thì có thể đạt được công phu thành phiến. Đạt được công phu thành phiến, thì chắc chắn có thể vãng sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc, khẳng định thấy Phật, đây là mục tiêu của người học Tịnh tông. Nếu như lúc này vẫn còn thọ mạng, bản thân không cần nữa, cầu Phật đưa Ngài đến Thế giới Cực Lạc, không thành vấn đề; nếu như niệm thêm ba năm nữa, Ngài nhất định được sự nhất tâm bất loạn; thêm cái ba hay năm năm nữa, Ngài có thể đạt đến lý nhất tâm bất loạn, đây là cảnh giới cao nhất rồi. Vì vậy, Pháp sư Tịnh Không chắc rằng, tất cả những gì lão Hòa thượng Hải Hiền chứng đắc được, là cùng một cảnh giới với đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh mà Thiền tông thường nói. Chứng được địa vị này, vãng sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc, Ngài đã báo tên vãng sanh, cũng tức là vãng sanh thượng bối thượng sanh trong tam bối cửu phẩm. Đây là thành tựu lớn, bất khả tư nghì!
– Trích sách: Hải Hội Thánh Hiền Lục (Cuộc đời và sự nghiệp của lão Hòa thượng Hải Hiền)