Đúng vậy, chư Phật Bồ Tát chỉ bảo cho chúng ta, cũng giống như trong lớp học thầy giáo dạy chúng ta vậy, cùng một đạo lý thôi. Thầy giáo dạy, bản thân ta không nghiêm chỉnh học tập, thì không được gì hết. Thầy giáo dạy, chúng ta nghe hiểu rồi, thật sự tin tưởng, y giáo phụng hành, thì sẽ đạt được. Thầy giáo chỉ làm được việc khai thị, còn ngộ nhập là việc của chính mình. Khai có nghĩa là khai khởi, là khai phát; thị là thị hiện, là biểu diễn cho mình xem. Khai là ngôn giáo, thị là thân giáo, thầy giáo miệng nói thân làm cho quí vị xem, thầy giáo chỉ làm được đến bước này, học sinh phải ngộ, xem rồi phải giác ngộ, ngộ rồi phải học theo thầy, phải hành, hành mới có thể nhập vào được.
Cho nên ngộ nhập là việc của học trò, thầy giáo không thể giúp gì được. Quí vị phải ngộ, ngộ rồi mới nhập được cảnh giới này, khai thị ngộ nhập. Học trò ngộ nhập cách nào? Có bốn chữ thuộc về học trò là tín, giải, hành, chứng. Tín, giải, hành là ngộ, chứng là nhập, trong hành có nhập, chứng là nhập được viên mãn. Cho nên học trò ngộ là tín giải, năng tín năng giải, là ngộ, ngộ nhập, khai thị ngộ nhập.
Ân đức của thầy giáo và ân đức của cha mẹ bằng nhau. Thân chúng ta có được từ cha mẹ, ân dưỡng dục, thầy giáo là ân dạy dỗ. Chúng ta phải hiếu thảo cha mẹ, tôn kính thầy giáo, hiếu thân tôn sư, đây là đức lớn, là nền tảng của tất cả mọi đức hạnh, người xưa rất chú trọng vấn đề này, rất chú trọng hiếu đạo và sư đạo.
Ngày xưa làm thầy giáo rất vất vả, cuộc sống của thầy giáo không giàu có, không như trường học quốc lập ngày nay, lương tháng của thầy giáo có sự ưu đãi, sau khi nghỉ hưu rồi còn được lãnh lương hưu, thầy giáo ngày xưa không có ai chiếu cố đến. Thầy dạy học không thu học phí, không định đoạt học phí, Khổng Phu tử làm bậc mô phạm cho chúng ta, tiếp nhận sự cúng dường của các bậc phụ huynh, tùy duyên, không bắt buộc. Phụ huynh giàu có, tặng nhiều một chút, cúng dường nhiều một chút, gia đình phụ huynh nghèo khó thì học phí hoàn toàn miễn, đôi khi thầy giáo có dư lại giúp cho học trò. Cho nên từ xưa tới nay, trong xã hội có hai hạng người được mọi người tôn kính nhất, một là thầy giáo, suốt đời làm công việc dạy học, thứ hai là bác sĩ, bác sĩ là cứu người, không phải họ kiếm tiền mà là họ cứu người, nhất định phải chữa khỏi bệnh và cứu sống lại, sau khi hồi phục trở lại bình thường, đem chút lễ vật nhỏ biếu cho bác sĩ, đều là tùy tâm tùy lực, khác hẳn với thời nay, ngày nay hoàn toàn biến thành hành vi thương nghiệp rồi. Cho nên vào thời xưa hai hạng người này, sống trong xã hội đều rất thanh đạm, cuộc sống vật chất không giàu có, nhưng được người tôn kính nhất, họ là người cứu người, cứu đời. Nếu quí vị xem qua cổ lễ thì sẽ hiểu được việc này.
Cho nên chúng ta hiểu rõ chân tướng sự thật rồi, sẽ biết phải nương vào chính mình. Nương vào chính mình được chăng? Chắc chắn là được! Thật sự hiểu rõ đạo lý, thật sự giác ngộ, vì sao? Vì trong tự tánh có trí huệ viên mãn, đức năng viên mãn và trí huệ viên mãn, tướng hảo theo cách nói của thế tục ngày nay gọi là phước báo, không thiếu thốn điều gì.
(Trích: Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa, tập 60)