“Nếu người mới học chưa thể phá tướng”, như thế nào gọi là phá tướng? Biết được niệm niệm bất khả đắc tức phá tướng, tức tướng ly tướng, họ không còn chấp trước. Lục căn ở trong cảnh giới lục trần, tâm địa họ thanh tịnh, không khởi tâm không động niệm, không phân biệt không chấp trước gọi là ly tướng. Đây không phải là cảnh giới của người sơ học, hàng sơ học không làm được.
“Chưa ly tướng, nhưng có thể nương tướng chuyên chí”, ở đây quan trọng nhất là chuyên chí. Chúng ta nương vào tướng cũng không sao, có thể dùng vọng tâm, chỉ cần ta chuyên chú đến cực điểm, chuyên niệm Phật A Di Đà. Quý vị xem tôn chỉ tu hành của kinh này có tám chữ: “Phát tâm bồ đề, nhất hướng chuyên niệm”, nhất hướng chuyên niệm chính là ở đây nói: nương tướng chuyên chí. Nghĩa là nương tựa tướng của Phật A Di Đà, nương tựa tướng của thế giới Cực Lạc. Niệm niệm chỉ cầu thế giới Cực Lạc, chỉ cầu Phật A Di Đà, như vậy là đúng, nhất định vãng sanh. Quan trọng là đừng nên nghi hoặc, chắc chắn không nghi hoặc, như vậy nhất định được vãng sanh. Nghi hoặc cũng có thể sanh, sanh đến biên địa nghi thành, hà tất phải nghi? Có thể hoàn toàn không nghi, đó chính là phải thật sự dụng tâm để học kinh này. Khi đã hiểu rõ ràng minh bạch, sẽ không còn nghi hoặc, không có ai không vãng sanh. Gặp được pháp môn này, đó là vô lượng thiện căn trong đời quá khứ, từng cúng dường Chư Phật, được Chư Phật Như Lai gia trì, mới có thể gặp được. Khi gặp rồi ta mới có thể tin tưởng, có thể lý giải, có thể phát tâm, phát tâm gì? Phát tâm cầu sanh thế giới Cực Lạc, đến thế giới Cực Lạc làm Phật. Khi thành Phật liền lên thuyền từ trở lại thế giới này để độ chúng sanh. Như vậy thì không phải chỉ đến thế giới này, vô lượng vô biên cõi nước của mười phương Chư Phật. Trong đó tuyệt đại đa số đều có luân hồi lục đạo, vào trong lục đạo để độ chúng sanh. Đến thế giới Cực Lạc quý vị đều thấy hết. Ở thế giới này của chúng ta, nghiệp chướng sâu nặng, không cách nào thấy được.
Nhưng nên nhớ rằng, đoạn trước trong kinh nói rất rõ ràng: Thật sự là một câu Phật hiệu diệt 80 ức kiếp tội nặng sanh tử, điều này hoàn toàn là sự thật. Vì sao khi chúng ta niệm Phật không có hiệu quả này? Không có hiệu quả, vì chúng ta không chí tâm, không có chuyên chí, chuyên chí sẽ khởi tác dụng lớn như vậy. Chúng ta niệm Phật đương nhiên có thể diệt tội, nhưng không diệt được nhiều như vậy. Nếu là chuyên chú vậy chúng ta không nghĩ đến bất kỳ điều gì, chỉ nghĩ đến xa lìa thế giới này, chỉ nghĩ đến thế giới Cực Lạc. Dùng tâm này niệm Phật, quả thật là một niệm tiêu 80 ức kiếp tội nặng sanh tử. Bởi vậy chúng ta đến được thế giới Cực Lạc, tội nghiệp đó cũng gần tiêu hết.
Những gì trong kinh Phật nói, mỗi câu mỗi chữ đều là chân thật, tuyệt đối không có câu nào giả dối. Phật là phương tiện nói ư? Không phải, từng câu từng chữ Phật đều chân thật nói.
“Đại sư Đạo Xước nói lời này”, đây là ba hàng rưỡi ở trên. Quý vị xem trong An Lạc Tập nói, toàn là lời của đại sư Đạo Xước. Ngài Đạo Xước nói rằng: “Phân tích rõ rành mật tạng của Chư Phật”, đoạn khai thị này nói quá hay. “Trực tiếp lộ rõ tâm tủy của Tịnh tông”. Cư sĩ Hoàng Niệm Tổ nói hai câu này vô cùng thích hợp, đích thực mật tạng của Chư Phật là tâm tủy của Tịnh tông.
“Nếu có thể tín thọ phụng hành, nương tướng chuyên chí, thật thà niệm Phật. Mặc dù chưa ly tướng, chắc chắn vãng sanh Tịnh độ”. Chúng ta muốn đời này đến thế giới Cực Lạc, phải y giáo tu hành, không ai không vãng sanh.
Chúng ta sắp giảng xong kinh này, nghe giảng xong lần này thời gian cũng hơn một năm, đáng giá! Rất có giá trị. Thật sự hiểu rõ ràng minh bạch về thế giới Cực Lạc, không thể không đi. Tuyệt đối đừng lưu luyến thế gian này, nên biết rằng cơ hội này không phải ai cũng gặp được. Phải thật sự tín thọ phụng hành, thật sự tin tưởng, tiếp nhận hoàn toàn, y giáo phụng hành.
Như trong An Lạc Tập nói, chúng ta nương tướng chuyên chí. Trong kinh nói thế giới Cực Lạc y chánh trang nghiêm là tướng, then chốt, nòng cốt ở chỗ chuyên chí. Chuyên đến tột cùng gọi là chuyên chí, chuyên đến tột cùng mới thật sự gọi là thật thà niệm Phật. Lìa tướng, đó là việc của đại Bồ Tát, không phải phàm phu. Người trong mười pháp giới đều chưa lìa tướng. Quý vị xem mười pháp giới_A la hán, Bích chi Phật, Bồ Tát và Phật trong mười pháp giới đều chưa lìa tướng. Lìa tướng là pháp thân Bồ Tát, họ không ở trong mười pháp giới, mà ở trong cõi thật báo trang nghiêm của Chư Phật Như Lai, đó là lìa tướng. Trong mười pháp giới đều là nương tướng chuyên chí, không có ai không vãng sanh, chắc chắn vãng sanh Tịnh độ.
(Trích: Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa, tập 571)