Thiền sư Thích Thanh Từ, Thiền Tông

Như Lai có được vô thượng chánh đẳng chánh giác hay không?

Hòa Thượng , Thiền Sư Thích Thanh Từ
Chắc hẳn quí vị đều thắc mắc tự hỏi tại sao Phật nói kinh mình học mà nói không nói, còn tu là cốt được đắc quả mà ở đây Phật nói không đắc là tu làm sao?
Trong đoạn trước, quí vị nhớ đức Phật phá pháp và phi pháp.
Phải và quấy đã phá rồi, đến đây cái chúng ta quí kính nhất là pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, tức pháp chứng quả thành Phật, pháp đó có thật hay không?
Phải và quấy không thật chúng ta đồng ý rồi, còn pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác mà Phật chứng có thật hay không? Nhiều khi những cái tầm thường thì thấy giả, nhưng đến cái cao quí hơn thì thấy thật.
Thí dụ như chì, kẽm… chúng ta nói là giả, đến vàng lại thấy là thật. Nhưng nếu thấy vàng là thật thì cũng còn thấy thật, vì một cái thật thì những cái khác cũng thật luôn, cho nên pháp và phi pháp là giả rồi nhưng đến pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nếu chúng ta thấy thật thì cũng là bệnh.
Vì thế đức Phật mới hỏi: Vậy Như Lai có được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác hay không? Và Như Lai có nói pháp hay không?
Đó là hai câu hỏi Phật đặt ra để ngài Tu-bồ-đề trả lời. Ngài Tu-bồ-đề thưa: Như chỗ hiểu của con qua nghĩa Phật nói, đây là ngài Tu-bồ-đề dè dặt, những gì Ngài biết thì nói biết, những gì học được nơi Phật thì nói con học của Phật.
Thế nên Ngài thưa: Con biết theo nghĩa của Phật nói, chớ không phải con biết theo ý riêng của con, không có pháp nhất định tên Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cũng không có pháp nhất định Như Lai nói. Ngài trả lời dứt khoát như vậy.
Tiếp theo Ngài mới giải thích lý do. Vì cớ sao? Như Lai nói pháp đều không thể chấp, không thể nói, chẳng phải pháp, chẳng phải phi pháp. Vì cớ sao? Câu này thật là khó! Quí vị thấy khi chúng ta chấp pháp thấp thì đức Phật phá pháp thấp không thật, đến khi pháp thấp phá rồi, chúng ta lại chấp pháp cao nên ở đây đức Phật phá luôn cả pháp cao.
Thường ai tu cũng mong chứng quả thành Phật. Thành Phật rồi mới nói pháp, cũng như Phật chứng quả rồi Ngài nói pháp vậy. Như thế Ngài có chứng đắc và có nói pháp hay không?
Trong đoạn trước Phật đã dạy: Phàm có tướng đều là hư vọng, và nếu còn thấy có pháp thật là cũng còn chấp ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả.
Vậy pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác tức là pháp thành Phật có thật không? Nếu thấy pháp đó thật thì cũng còn tướng ngã, tướng nhân…
Tại sao? Vì nói thành Phật thì hỏi ai thành? Ta thành phải không? Thấy có pháp thành Phật thật thì phải có người thành Phật, đó là còn ngã, còn ngã thì còn nhân, còn chúng sanh, thọ giả. Nếu thế Phật là phàm phu mất rồi! Cho là Phật có nói pháp thật cũng không được, vì phàm những gì nói ra đều là tướng hư giả.
Như vậy Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác hay nói gọn là Phật, là đối với chúng sanh. Chúng sanh là mê nên Phật là giác, giác đối với mê, hết mê rồi còn nói giác làm gì. Giác là đối đãi với mê, mê không thật thì giác cũng không thật; và nếu mê giác đều không thật thì có thành Phật hay không?
Nếu không còn thấy có mê thật, giác thật thì tâm không còn chấp hai bên, mà tâm không chấp hai bên đó là như như, đó là Phật pháp thân hiện, không thấy được thành Phật mà đã thành Phật.
Hiện giờ chúng ta mơ ước thành Phật mà không thành Phật được, vì mơ ước là vọng tưởng, mà vọng tưởng còn thì Phật pháp thân đâu có hiện, thế nên cầu mà không được.
Trái lại, không thấy có pháp để cầu thành Phật, nên Tâm thể lặng lẽ không còn hai bên mê giác đối đãi, do đó tâm hoàn toàn thanh tịnh, Tâm thể thanh tịnh tức là Pháp thân Phật, là Như Lai.
Không được mà được, đó là điều không thể nói cho thế gian hiểu, vì thế gian nói hoặc là được, hoặc là không, chớ không bao giờ nói không được mà được.
Nhưng ở đây không đắc mà đắc, không chứng mà chứng, đó mới là khó khăn, bởi vì nếu thấy chứng đắc là còn có ngã tức là có pháp.
Nếu phá được ngã pháp rồi thì đâu còn nói chứng nói đắc, mà không chứng đắc thì đó là Phật. Nhưng hễ nói Phật tức là có chứng có đắc rồi.
Vì vậy Phật pháp vượt ngôn ngữ của thế gian. Ngôn ngữ thế gian luôn rơi vào hai bên hoặc được, hoặc mất, hoặc có, hoặc không. Ở đây phá hết những chấp ngã và pháp, khi ngã và pháp hết rồi thì đó là Phật.
Nếu còn thấy có pháp để đắc là còn pháp, còn thấy mình chứng là còn ngã thì đâu phải là Phật, ngã pháp còn làm sao gọi là Phật được. Dẹp hết ngã pháp đó là Phật mà không có chứng, có đắc, đó mới thật là lạ.
Cho nên không chứng mà chứng, không đắc mà đắc, chớ không phải một bề nói không đắc là không đắc.
Như trong kinh Bát-nhã quí vị đọc “vô đắc v.v…” đừng nói như vậy là không ngơ; có nhiều người nói Bát-nhã nói cái gì cũng không, tất cả đều không. Không phải thế, khi không còn những chấp ngã pháp thì Pháp thân mới hiện tiền. Cũng như tôi đã nói không dính vào tất cả thì tâm mới an trụ, an trụ đó mới là an trụ thật.
Ở đây cũng vậy, nếu tâm niệm còn dính còn chấp thì tâm niệm đó là tâm niệm cuồng loạn, là tướng sanh diệt. Không còn dính chấp vào cái hư giả đó mới là vô sanh, mới là chân thật, cho nên thật tướng là vô tướng, cái chỗ không tướng là tướng chân thật.
Thật rất lạ, vì vậy người học Phật nếu không tu thì không bao giờ hiểu nổi, mình có tu rồi khi hết vọng tưởng thì thấy cái chân thật hiện tiền, còn nếu không tu thì nghe rất lạ, ngôn từ quá khó hiểu.
Hòa Thượng, Thiền Sư Thích Thanh Từ.
Trích trong: Kinh Kim Cang Giảng giải
Được gắn thẻ , ,

1 bình luận trong “Như Lai có được vô thượng chánh đẳng chánh giác hay không?

  1. Như Lai có vô thượng chánh đẳng chánh giác hay không ?

    Đã thật sự thanh tịnh !
    Chánh đẳng và chánh giác !
    Để làm gì cho ai !
    Cái Tên của hồng trần !

    Chết rồi biết là ai !
    Mê muội trong thượng ảo !
    Muốn đề danh bản vàng !
    Tìm đạo mãi kiếp sau !

    Kinh Phật ở đoạn đầu !
    Đoạn giữa mình phải đi !
    Chứng thực lời Phật dạy !
    Đoạn cuối hiện kinh vàng !

    Kinh Phật vốn không sai !
    Lòng tham đi quá vội !
    Mạt pháp khổ bao người !
    Thiện chánh đẳng chánh giác !

    Hihi….!

    Học đoạn đầu kinh lấy đoạn cuối sở hữu cho mình,không có đoạn giữa chỉ là trộm pháp nghĩ cho kỹ là mạt pháp ?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *