Chúng ta tham đắm vị ngon, tham đắm này là vì ai? Chúng ta sát sanh ăn thịt là vì ai? Vì cái lưỡi có thể phân biệt mùi vị, nhưng cái lưỡi chẳng qua chỉ dài ba tấc mà thôi, nuốt vào trong cổ thì đâu còn biết mùi vị gì nữa. Vì thỏa mãn cái lưỡi ba tấc này, mà tạo ra vô lượng vô biên tội nghiệp, không đáng! Đạo lý này, sự thật này chúng ta đã suy nghĩ tường tận chăng?
Nếu nói ăn chay không có dinh dưỡng, ăn chay không có sức khỏe, tôi có thể làm chứng cho mọi người. Tôi ăn chay đến nay đã 50 năm, nhưng trong đời chưa từng bị bệnh, đúng là mạnh khỏe sống lâu. Thể lực của tôi không yếu, có thể duy trì được tình trạng sức khỏe, nguyên nhân là gì? Nhờ ăn chay. Nói thật tôi không rành lắm về phương pháp dưỡng sinh, không hề chú ý đến, quả thật là không hiểu. Điều đáng tiếc nhất trên cơ thể chính là răng không đẹp, tôi không bị rụng răng, răng đều rất tốt, chỉ là chưa đủ tiêu chuẩn. Vì sao vậy? Vì không biết cách bảo vệ răng.
Năm trước, có một vị đồng tu dẫn tôi đi khám răng, lấy men răng cho tôi. Bác sĩ lấy men răng nói với tôi, răng của thầy không tệ, giữ rất tốt, đây là nhờ thầy ăn chay. Hơn 70 tuổi, nhưng răng người khác không thể sánh bằng. Ông dạy tôi cách bạo vệ răng, sau mỗi lần ăn xong, nhất định phải súc miệng, đánh răng, không cần dùng kem. Kem chỉ cần dùng hai lần sáng và tối, bình thường phải luôn súc miệng, đánh răng. Tôi không biết điều này, trước đây tôi chỉ đánh răng một lần vào buổi sáng, buổi tối không đánh, cho nên không chăm sóc tốt cho răng. Nếu tôi gặp bác sĩ này sớm, lúc trẻ hiểu cách bảo vệ răng, răng của tôi bây giờ chắc giống như người hai ba mươi tuổi vậy. Vị bác sĩ này nói với tôi, phải bảo vệ răng thật tốt. Tôi như thế này cũng được coi là tốt, nhưng chưa đủ tốt, bây giờ tôi đã hiểu. Sau mỗi lần ăn xong, tôi lập tức đánh răng, súc miệng, tuyệt đối không để giữa kẽ răng còn thứ gì tồn tại, như vậy rất dễ sinh vi khuẩn. Răng tốt, tức là hệ thống tiêu hóa của chúng ta đều tốt, người không bị bệnh.
Ăn chay rất có lợi cho sức khỏe, đặc biệt là sau tuổi trung niên. Sau tuổi trung niên không biết nhiếp sanh trong ẩm thực, đối với sức khỏe lúc về già sẽ có ảnh hưởng rất lớn. Đây là từ việc ăn ở, thông thường chúng ta gọi là vệ sinh. Người thế gian đều hiểu và chú ý vệ sinh, nhưng còn có điều quan trọng mà mọi người lãng quên, đó là gì? Là vệ tánh, tánh là tánh tình tốt, nó sẽ ảnh hưởng đến sinh lý.
Đạo Hồi Giáo, ẩm thực của họ có rất nhiều quy củ, có rất nhiều thứ họ không ăn. Tôi từng nghiên cứu giáo nghĩa của họ, vì sao không ăn? Thì ra vì tính tình của những động vật đó không tốt, phàm những loại động vật và thực vật tánh tình không tốt họ đều không ăn, vì sao vậy? Vì sợ ảnh hưởng đến tính tình của mình. Họ hiểu cách vệ tánh, bảo vệ thật tốt tâm trạng mình, bây giờ chúng ta cũng gọi là “tâm trạng”, điều này cao hơn người thông thường chúng ta.
Về sau tôi đọc kinh Phật, Đức Phật càng cao siêu hơn, ngài nói ba điều. Ngoài chú ý đến vệ sinh, vệ tánh, còn chú trọng đến vệ tâm. Bảo vệ tâm từ bi của mình, bảo vệ tâm lương thiện của mình, cho nên không ăn thịt tất cả chúng sanh, điều này rất có đạo lý. Nhà Phật đúng là thông tình đạt lý. Thông thường chúng ta nói, dạy học của Phật giáo hợp tình, hợp lý, hợp pháp. Phật giáo không phải khi đã hình thành là không thay đổi, mà rất linh hoạt. Chúng ta phải hiểu những đạo lý này.
Trong thức ăn chay, Phật pháp đặc biệt chọn ra năm loại không được ăn, năm loại này gọi là “ngũ vị tân”. Quý vị thử nghĩ xem, chữ tân này có bộ thảo, tân không phải thịt, thịt gọi là hôi, nhà Phật gọi là tanh hôi, không được dùng nó. Loại thịt thuộc về hôi, tanh là chỉ năm loại. Năm loại rau này, hành là một loại, hành củ và hành lá, lá hẹ, hành tây, năm loại này không được ăn. Vì sao không ăn? Vì năm loại này khi ăn sống có tính kích thích sinh lý, dễ nổi nóng, vì nguyên nhân này, phòng chỉ quý vị ít nóng giận, ít nổi cáu, vì thế không được ăn. Khi ăn chín, những thứ này có thể sanh chất kích thích, dễ dẫn khởi tính xung động. Chính là nguyên nhân này, không phải gì khác. Nhưng nếu dùng những thứ này để làm hương liệu, có thể dùng nó để nêm nếm làm hương vị, vì sao? Vì nó không khởi tác dụng. Bởi vậy nhất định phải hiểu dụng ý thật sự của giới luật Phật giáo.
(Trích: Liễu Phàm Tứ Huấn, tập 8)