Bạn sẽ hỏi, lời nói này có gì chứng minh không? Có chứ, Phạm Lãi thời đại Xuân Thu chính là một thí dụ rất rõ ràng. Ông này là đại thần của Việt Vương Câu Tiễn, là một người thông minh tuyệt đỉnh, ông giúp Việt Vương Câu Tiễn đánh bại Ngô Vương Phù Sai, phục hưng đất nước. Ông biết rõ tánh tình của Câu Tiễn, biết Câu Tiễn là người có thể cùng hoạn nạn chứ không thể cùng giàu sang, lúc đất nước bị nạn thì có thể hợp tác mật thiết với nhau, lúc không hoạn nạn thì có tâm đố kỵ, không thể nào dung nạp người khác, Phạm Lãi biết rất rõ. Cho nên khi đất nước vừa phục hưng thì ông liền trốn đi, thay đổi tên họ thành Đào Châu Công, đi làm ăn buôn bán. Ông bắt đầu bằng việc làm ăn nhỏ, chưa được mấy năm liền giàu to, sau khi giàu có liền đem hết tài sản đi cứu trợ những người nghèo khổ, dùng hết tiền tài để cứu trợ. Sau đó lại bắt đầu công chuyện làm ăn nhỏ, qua vài năm sau cũng giàu to, [cứ như vậy] giàu ba lần rồi đem tài sản phân tán [cứu trợ người nghèo khổ] ba lần nữa. Việc này có thể chứng minh cho lời đức Phật nói chẳng sai, trong mạng của bạn có bao nhiêu tiền của thì đem đi đâu bỏ cũng chẳng mất, bỏ đi hết sạch qua mấy ngày sau nó vẫn trở lại, [do đó mới biết] trong mạng mình sẵn có thì sẽ không bao giờ mất hết.
Ngày nay người ta không tin lời đức Phật dạy, cứ cho rằng bao nhiêu tài sản của mình bỏ đi thì ngày mai làm sao có cơm ăn? Ngày mai lấy gì sinh sống? Nghĩ tới ngày mai, năm tới, cả cuộc đời, còn nghĩ tới đời con đời cháu, một đồng xu cũng không chịu bỏ ra, đây là một sự suy nghĩ sai lầm. Không chịu xả thì phước báo sẽ hưởng hết rất nhanh, sau khi hưởng xong thì không còn nữa, tới lúc đó mới thật sự khổ, họ chẳng biết rằng càng xả thì sẽ càng giàu. Những người tin Phật trong thế gian, nói thật ra họ rất kém cỏi, tại sao vậy? Họ không hiểu thấu triệt những đạo lý trong Phật pháp, không thể thâm nhập, không thể khởi lên lòng tin. Nguyên nhân này cũng là vì chúng ta, những người xuất gia làm công việc hoằng pháp chưa tận hết trách nhiệm, chẳng giảng rõ ràng, nói rành rẽ; một người không hiểu rõ ràng mà nghe pháp sư giảng xong liền khởi lòng tin thì rất khó! Cũng có chứ chẳng phải không có, đó là những người thiện căn phước đức đời trước [đến lúc đó] chín muồi. Tuy không hiểu rõ, lão hòa thượng giảng xong tôi bèn tin, tôi tin lời của Ngài, tôi chịu thật sự làm theo, người như vậy rất ít, rất hiếm. Phần đông người ta đều là ‘người tin thì không tận tâm bố thí, người không tin thì hoàn toàn không thể làm’, hai câu này nói rõ tình trạng của chúng sanh trong đời.
Trích từ: Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh giảng ký quyển hạ
Người giảng: HÒA THƯỢNG TỊNH KHÔNG