Sư Pháp Tường người Trừng Thành, Đồng Châu, có chí tự lập từ bé. Cuối đời Chu Võ, trong số các tăng quan, vị nào thông minh sáng suốt thì được chọn để tuyển dụng. Sư được chọn làm quan nhờ vào tài trí của mình.
Đến đời Tùy, Phật pháp giáo hóa rộng khắp, Sư dâng biểu xin được trở lại làm Tăng. Sư đến chùa Đại Hưng Quốc, Dương Đô ở suốt ba mươi năm để suy nghiệm sâu sắc huyền nghĩa kinh điển, và vận dụng rốt ráo nghĩa quyền thật để khai mở trí tuệ cho người tục. Mọi hành động của Sư đều mang lại lợi ích. Mỗi khi có việc phúc thiện, Sư đều hồi hướng về An Dưỡng, cho đến làm một căn phòng, một cái thất, vật dụng, cây, đất, Sư đều chú nguyện.
Niên hiệu Vũ Đức thứ bảy (624) đời Đường, Sư nhuốm bệnh. Đến khi bệnh nặng, đệ tử ở bên cạnh nghe tiếng Sư niệm Phật liên tục, lúc đầu chưa biết, cho rằng Sư bệnh nên niệm Phật để buộc niệm tưởng, nhưng khi đến gần thì thấy vách tường ở phía Tây phòng Sư có ánh hào quang sáng rực, ánh sáng hội tụ lại như gương báu.
Tuy ở cõi nước khác nhưng cũng có thể nhìn thấy được, trong ánh sáng ấy có chim Tần Già lũ lượt từ bốn phía bay đến. Sư chỉ vào chim Tần Già, hỏi đệ tử:
– Các con có thấy chim Tần Già đó không? Nếu thấy chúng thì một ngày nào đó sẽ gặp ta ở cõi Tịnh độ.
Trong chốc lát, ánh hào quang ẩn mất, cũng là lúc Sư viên tịch. Sau đó, đệ tử làm lễ trà tì theo nghi thức của Ấn Độ, rồi thu lấy xá lợi tôn thờ.
Ghi chú:
Sư Pháp Tường thấy chim Ca Lăng Tần Già, lúc trước ngài Trí Thuấn thấy chim Anh Vũ, khổng tước. Có người nghi: “Tại sao các ngài không thấy Phật mà thấy các loại chim?”. Trong kinh dạy: “Vì các loài chim đều do Đức Phật A-di-đà biến hóa ra”. Cho nên biết, y báo và chính báo đều là tướng Tịnh độ. Họ vui mừng không còn nghi nữa.
Trích: Bốn Chúng Vãng Sanh
Biên dịch: Chúc Đức và các thành viên