Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Làm thế nào để chuyển phiền não thành bồ đề?

Tâm Bồ Đề kiên cố
Hình dáng của bồ đề tức là niềm vui “pháp hỷ sung mãn”, tức là trí huệ viên mãn. Kim Cang Bát Nhã là trí huệ viên mãn và rốt ráo nhất. Cho nên ngay đoạn đầu trong kinh Kim Cang đức Phật Thích Ca Mâu Ni liền biểu hiện sự đại tự tại, đại viên mãn trong đời sống, dạy cho chúng ta thể hội và học theo.
Phần đông các kinh điển đều dùng việc đức Phật phóng hào quang, hiện tướng lành để mở đầu, nhưng đoạn mở đầu trong kinh Kim Cang đức Phật Thích Ca Mâu Ni “đắp y, cầm bình bát, đi vào thành Xá Vệ khất thực”.
Ðây là để nói rõ trí huệ cứu cánh viên mãn vốn là ở trong sanh hoạt hằng ngày. Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni đắp y, cầm bình bát, ăn cơm đều là “kim cang bát nhã”; từ sáng đến tối, sanh hoạt, làm việc, tiếp xúc với người và việc, tất cả đều là trí huệ cứu cánh viên mãn.
Trong kinh Hoa Nghiêm, những Pháp Thân Ðại Sĩ trong 53 lần tham vấn thị hiện làm nam, nữ, già, trẻ, các ngành nghề, tại gia, xuất gia, đời sống của họ đều giống sự thị hiện của đức Phật Thích Ca trong kinh Kim Cang, đều sanh hoạt trong trí huệ cứu cánh viên mãn.
Ðây là sự thọ dụng chân thật mà Phật pháp đem lại cho mọi người, không có gì là mê tín.
Trong kinh Vô Lượng Thọ, đức Thế Tôn nói đến ba thứ chân thật:
  1. Chân thật chi tế: tức là bản tánh chân như, tức là mục tiêu của sự học Phật.
  2. Trụ chân thật huệ: tức là Kim Cang Bát Nhã.
  3. Huệ dĩ chúng sanh chân thật chi lợi: (Ban cho chúng sanh lợi ích chân thật).
Tự mình trụ trong trí huệ chân thật thì mới có khả năng dạy tất cả chúng sanh đạt được trí huệ chân thật. Chúng ta phải làm ra hình tướng tốt cho người ta thấy, làm cho người ta cảm động, muốn học và bắt chước, làm cho họ cũng có thể đạt được đời sống viên mãn trí huệ giống như chư Phật, Bồ Tát, đó tức là “huệ dĩ chân thật chi lợi”.
Chư Phật, Bồ Tát thị hiện ở thế gian làm gương tốt nhất cho chúng sanh, chúng ta noi theo các Ngài mà học tập, như vậy gọi là “học Phật”.
Cùng một đạo lý này, làm một đệ tử của Phật, khi khởi tâm động niệm, ngôn ngữ tạo tác, hành vi trong đời sống chúng ta đều phải làm gương tốt cho tất cả mọi người. Phật pháp không phải dùng để đàm huyền thuyết diệu mà phải áp dụng vào sự sanh hoạt thường ngày.
Nguyên nhân chúng ta học Phật mà không đạt được thọ dụng (lợi ích) của Phật pháp, khuyết điểm của chúng ta là “không buông xả” và “không nhìn thấu”.
Giống như lão hòa thượng Hư Vân trong Thiền Tông cận đại, đại sư Ấn Quang trong Tịnh Tông, những gì họ thị hiện hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc tu học dạy trong kinh Kim Cang.
Sau khi nghe hai câu”Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” (nên không trụ vào đâu để sanh cái tâm ấy) trong kinh Kim Cang, Lục Tổ Huệ Năng liền khai ngộ; thiệt ra mỗi chữ mỗi câu trong kinh đều quan trọng như hai câu này.
H.T. TỊNH KHÔNG !
Được gắn thẻ , , , , , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *