Học Phật và Phật học hoàn toàn khác nhau. lúc trước thầy Lý [lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam] cảnh cáo tôi đừng đi theo đường lối của họ [Tô Đông Pha & Lương Khải Siêu], họ là Phật học, chẳng phải là học Phật.
Chúng ta phải đọc Phổ Hiền hạnh mỗi ngày, tổ sư đã xếp hạnh ấy vào khóa tụng sáng tối. Tịnh Tông Học Hội thành lập, chúng tôi đề ra năm khoa hạnh môn để tu hành. Năm khoa mục ấy, mỗi ngày chúng ta phải nghiêm túc thực hiện. Năm khoa mục không nhiều lắm, dễ nhớ! Quá nhiều, nhớ không nổi, quý vị tu bằng cách nào? Trong năm khoa mục ấy, khoa mục thứ nhất là Tịnh Nghiệp Tam Phước. Đây là tổng cương lãnh, tổng nguyên tắc chỉ đạo sự tu hành trong Phật pháp, bất luận tu tông phái nào, tu pháp môn nào đều phải tuân theo nguyên tắc chỉ đạo này. Đức Phật nói rất hay, Tịnh Nghiệp Tam Phước là “chánh nhân tịnh nghiệp của tam thế chư Phật”. “Tam thế Phật” là quá khứ Phật, hiện tại Phật, vị lai Phật, toàn bộ chánh nhân tịnh nghiệp là ba câu ấy. Quý vị nói xem có quan trọng lắm hay không?
Câu đầu tiên gồm mười sáu chữ, “hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm chẳng giết, tu Thập Thiện Nghiệp”, chúng ta thực hiện nơi ba căn bản của Nho, Thích, Đạo. Nếu chẳng có ba căn bản ấy, hết thảy đều thất bại, thứ gì cũng đều chẳng có. Quý vị suốt đời nghiêm túc nỗ lực nghiên cứu kinh giáo, cũng chỉ trở thành một nhà Phật học, thành một vị học giả trong Phật môn. [Nói tới] nhân vật tiêu biểu, khi tôi mới học Phật, chưa xuất gia, theo thầy Lý học kinh giáo; khi đó, còn chưa xuất gia, thầy Lý nêu ra hai nhân vật tiêu biểu, cổ nhân là Tô Đông Pha, người thời nay là Lương Khải Siêu, họ đều là danh nhân, là nhà Phật học, đọc kinh điển rất nhiều, có tài hoa, có thể diễn thuyết, có thể viết lách, nhưng chẳng liên can gì đến chuyện sanh tử. Vì thế, thầy cảnh cáo tôi: “Cổ nhân đừng học theo Tô Đông Pha, người thời nay chớ học Lương Khải Siêu”. Thầy Lý cảnh cáo tôi đừng đi theo đường lối của họ, họ là Phật học, chẳng phải là học Phật!
Học Phật và Phật học hoàn toàn khác nhau. Học Phật có Giới, Định, Huệ; trong Phật học chẳng có Giới, Định, Huệ, phải biết điều này. Chẳng có Giới, Định, Huệ, là Phật học, quý vị ở trong thế gian này cũng có thể thành danh, [trở thành] bậc đại gia về Phật học, là Phật học đại sư, người ta sẽ gọi quý vị bằng danh hiệu ấy. Quý vị cũng có thể đạt được học vị Tiến Sĩ, giảng đến nỗi hoa trời rơi tán loạn, trước tác rộng khắp, nhưng vẫn phải luân hồi trong lục đạo y như cũ, theo nghiệp chịu báo, chớ nên không biết điều này. Do đó, ba căn bản của Nho, Thích, Đạo vô cùng trọng yếu. Khi quý vị vứt bỏ các căn bản ấy, quý vị sẽ suốt đời làm chuyện thuộc về Phật học, chớ nên không biết! Có ba căn bản ấy thì mới thật sự có thể học Phật, làm đệ tử tại gia của Phật, tức Ưu-bà-tắc hay Ưu-bà-di, mà cũng có thể xuất gia. Phước thứ nhất trong Tịnh Nghiệp Tam Phước là cơ sở, đạt được điều kiện học Phật cơ bản, coi như quý vị nhập Phật môn.
Phước thứ hai là “thọ trì Tam Quy, trọn đủ chúng giới, chẳng phạm oai nghi”. Đó là điều thứ hai. Điều thứ hai là phước Tiểu Thừa, điều thứ nhất là phước báo nhân thiên. Do đó, gọi là Tam Phước.
Điều thứ ba, tức câu thứ ba là “phát Bồ Đề tâm, tin sâu nhân quả, đọc tụng Đại Thừa, khuyến tấn hành giả”. Khuyến tấn hành giả là lợi ích người khác, tức lợi tha. Những điều trước đó đều là tự lợi. Sau khi tự lợi mới có thể lợi tha, chúng ta nói là “hoằng pháp, lợi sanh”, điều này trọng yếu lắm!
Xuất gia nhất định phải học Sa Di Luật Nghi. Trong mười điều của Sa Di Giới, phần trước giảng về Ngũ Giới, không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu. Trong “không vọng ngữ”, đặc biệt chú thích rõ ràng, [không vọng ngữ] bao gồm không nói đôi chiều, không nói thêu dệt, không ác khẩu. Năm điều ấy được gọi là Căn Bản Đại Giới. Có lúc kinh luận đặc biệt giảng Căn Bản Đại Giới chỉ có bốn điều, tức là không tính điều “chẳng uống rượu”. Bốn điều trước đó là “giết, trộm, dâm, dối” là Căn Bản Giới. Không chỉ là Căn Bản Giới trong Phật pháp, mà gần như đối với tất cả các tôn giáo đều là Căn Bản Giới. Chúng ta đọc kinh Cổ Lan (Koran) [của Hồi giáo], xem Tân Cựu Ước của Cơ Đốc Giáo; mấy năm nay, chúng tôi biên soạn một quyển sách nhỏ, trích lục kinh điển của mười tôn giáo tương đối lớn trên thế giới, có những giáo điều liên quan luân lý, đạo đức, nhân quả, giới luật, chúng tôi đều trích lục, thấy [tôn giáo nào] cũng đều có]: Mỗi tôn giáo đều giảng “giết, trộm, dâm, dối”, chẳng thể không vâng giữ!
(Trích: Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa, tập 130)