Con Người tại sao lại bị già, bị bệnh, bị chết vậy? Bạn có ý nghĩ, bạn có vọng tưởng. Chỉ cần bạn có vọng tưởng, có phân biệt, có chấp trước thì bạn chắc chắn sẽ già, sẽ bệnh, sẽ chết. Điều này chúng ta ở trong Kinh Đại Thừa đã đọc quá nhiều rồi. Nếu như bạn không có vọng tưởng, không có phân biệt, không có chấp trước thì bạn sẽ không già, không bệnh, không chết. Bệnh từ đâu mà có vậy? Phật thường nói tam độc: “Tham sân si”. Ở trong tâm có tham, sân, si, tâm đó của bạn còn độc hơn bất cứ thứ gì, đó là vi rút. Trong tâm có vi rút nghiêm trọng, bên ngoài có ngũ dục, lục trần, cám dỗ, cảm nhiễm thì bạn làm sao mà không sinh bệnh được? Nhà Phật đã tìm ra nguồn gốc của bệnh rồi. Thánh nhân Trung Quốc chúng ta cũng rất tuyệt vời. Sách y của Trung Quốc, quyển đứng đầu là: “Hoàng Đế Nội Kinh” “Linh Khu”. Nội dung chủ yếu mà bên trong đó nói không phải là trị bệnh, mà là nói trường sinh. Căn cứ vào cách nói của cổ nhân Trung Quốc, tuổi thọ của con người chí ít phải sống 200 năm. Con người là một bộ máy, bộ máy này có thể bảo dưỡng tốt, có thể chăm sóc tốt thì tuổi thọ của nó phải là 200 năm. Nếu không đến 200 năm mà bạn đã chết rồi, đó là do bạn không chăm sóc tốt. Giống như các bạn hiện nay dùng máy móc vậy, bạn không chăm sóc tốt, bạn đem nó làm hư hại mất rồi.
Cổ nhân Trung Quốc chăm sóc thân tâm cũng là chú trọng đến: “Thanh tâm quả dục”. Điều này rất gần kề với lý luận mà Phật Pháp nói: “Thanh tâm quả dục”, Phật Pháp là đem dục hoàn toàn đoạn sạch, thanh tịnh đến cực điểm, quả dục là chưa có đoạn hết. Có rất nhiều người nhìn thấy thân thể này của tôi vẫn còn tốt, tuổi tác của tôi lớn như vậy vẫn có thể đi lại thoăn thoắt, nguyên nhân gì vậy? Dục vọng của tôi ít hơn mọi người, cho nên lão hóa chậm, tật bệnh thật sự là giảm thiểu. Đạo lý là như vậy. Tôi một ngày ăn một bữa, rất bình thường, tinh thần rất tốt. Rất nhiều người quan tâm đến tôi, sợ tôi bị suy dinh dưỡng, họ cho cái này, biếu cái nọ, tôi cảm thấy phiền phức. Chăm sóc mình như thế nào vậy?:”Thanh tâm quả dục”. Tốt nhất đem cái dục đó mỗi ngày giảm bớt, mỗi năm giảm bớt, giảm đến hoàn toàn không còn nữa, đó mới là một người bình thường.
Thầy dạy tôi: “Thấy rõ, buông xả”. Chư Phật Như Lai buông xả triệt để rồi. Buông xả danh vọng lợi dưỡng của mình, buông xả mọi dục vọng của mình, thậm chí là ngay cả cái thân này cũng buông xả, ý nghĩ đều buông xả.
Trong Kinh nói rất hay, Phật Bồ Tát là ứng, chúng sanh có cảm thì Phật Bồ Tát có ứng. Ứng hóa, quyết không phải Phật Bồ Tát khởi tâm động niệm. Phật Bồ Tát mà có khởi tâm động niệm là phan duyên rồi, không phải tùy duyên. Ứng hóa là tùy duyên. Chúng ta phải tùy duyên thì mới tự tại, còn phan duyên là không tự tại. Phan duyên là trong tâm muốn làm như thế nào đó, vậy là sai rồi. Cho nên chúng ta phải học Phật Thích Ca Mâu Ni. Phật Thích Ca Mâu Ni làm tấm gương tốt nhất cho chúng ta. Thông thường người bình thường, hai chữ học Phật chỉ để ở ngoài cửa miệng, trên thực tế không biết ý nghĩa đích thực của học Phật, cũng không biết học Phật như thế nào? Chúng ta thử nghĩ lời giáo huấn mà Phật cho chúng ta, thật sự là chân lý, thật sự là chí thiện, nhà Nho nói: “Chỉ ư chí thiện”. Hôm nay đã giảng cho các vị một chút nguyên tắc như vậy. Làm sao đem: “Mẫn nhân chi hung, lạc nhân chi thiện, cứu nhân chi nguy”. Thực hiện vào trong sự tướng, chúng ta còn phải nghiên cứu thảo luận thật kỹ. Làm sao đem những câu này thực hiện.
Trích : Thái Thượng Cảm Ứng Thiên – Tập 33
Chủ Giảng : HT.Thượng Tịnh Hạ Không.
Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Singapore
Thời gian: Năm 1999