“… Chỉ bằng tâm trong sạch, dầu nói hoặc làm, hoặc nghĩ cũng được phước cả. Nguyên nhân tạo nghiệp là ý (mano). Ở nơi khác, Đức Phật còn dạy rằng tâm (tác ý) tức là nghiệp.
— Như cố Đại đức Hộ Tông đã từng giải bày thứ quả của tài thí đều do tâm cả, xin nhắc lại là:
1- Bố thí với sự mong mỏi phước báu thì sẽ được sinh lên cõi trời thấp nhất ( Tứ Đại Thiên).
2- Bố thí và nghĩ đến việc làm thiện thì sanh lên cõi trồ thứ hai (Đao Lợi).
3- Bố thí vì phong tục tập quán sẽ sanh lên cõi trời thứ ba là Dạ Ma.
4- Bố thí theo Phật giáo thì sẽ được sanh lên cõi trời thứ tư là Đâu Suất.
5- Bố thí bằng tâm vui thích thì sẽ sanh lên cõi trời thứ năm là Hóa Lạc.
6- Bố thí bằng tâm giúp cho người được an vui đầy đủ thì được sanh lên cõi trời thứ sáu là Tha Hóa Tự Tại.
7- Bố thí không cầu mong hưởng quả, chỉ để xả ly tham, sân, si, nhất là lòng bỏn xẻn thì được sanh lên cõi Phạm Thien (vì đã hết dục vọng).
Phần nhiều thiện tín không thích quả phước vô lậu của cách bố thí với tâm xả ly để sớm đạt được đạo quả Niết Bàn, mà chỉ bố thí để hồi hướng cho người đã quá vãng và để dành cho mình kiếp sau được hưởng quả. Ít người hiểu biết rành vì không được chư Tăng giải rành mạch, tận tường, là mình đã bố thí hết cả phần phước của mình trong khi đọc bài Phước căn… không chừa lại chút gì cả, mà còn đọc tiếp lời nguyện xả ly những phiền não tức là những dục vọng ham muốn, hưởng dục lạc ngũ trần trong ngày vị lai.
Một lẽ nữa, là chư thiện tín hiểu lầm Niết Bàn là cõi tịch diệt, không không rỗng tuếch, đoạn diệt tất cả nên ngán sợ Niết Bàn. Trong số chư Tăng có vị chưa nhận thức rằng, một Thánh nhân bậc thấp nhất, tuy nghèo xơ xác về mặt vật chất cũng không phải là người vô sản cùng đinh.
Do lẽ đó, Đức Phật đã từng khuyên các hành giả: “Vị Tỳ khưu nên ở chỗ nào pháp dễ phát sanh mặc dù thiếu thốn vật thực” và Ngài cũng nhắc nhở các đệ tử: “Hãy là người thừa tự pháp, chớ đừng làm người thừa tự vật thực của Như Lai”.
Nhiều vị cư sĩ muốn xuất gia mà ngại thiếu thốn vật thực vật chất, không thể tu được nên ráng làm phước để dành làm hậu bị thực.
Các vị quá sợ khổ như vậy, không thể nào dám Minh sát Khổ và nếu ráng học nhiều pháp thì chỉ biết cái khổ bằng lí thuyết suông.
Vả lại đem hết tài sản bố thí cúng dường lớn lao trọng đại như ông Anāthapiṇḍika hay bà Visākhā, phước báu chẳng hơn gì người thợ hàng hoa Sumana được Phật thọ ký là Phật Độc Giác sau nầy.
Trong Tăng Chi Bộ Kinh, Đức Phật có giải về phước hữu lậu của Ngài đã làm trong kiếp còn là Bồ Tát Velāma nhiều vô số kể, nhưng so ra chẳng bằng một phần mười sáu của hành giả thấy Pháp Sanh Diệt, tức là Minh sát Khổ cho tới khi hết khổ, không còn tái sanh cái khổ, tức là chứng được pháp Vô Sanh (của cái khổ).
Sự tích cậu Maṭṭhakuṇḍali về lý thì giống như pháp niệm Phật A Di Đà của phái Tịnh Độ, nghĩa là nhờ tha lực bằng đức tin mãnh liệt nơi Đức Phật vào lúc lâm chung mà được siêu sanh, tuy nhiên chẳng phải dễ gì niệm tưởng Đức Phật trong khi từ giã cõi đời được, nếu không có sự trợ duyên. Trong sách Quần Nghi Luận có kể mười trường hợp lâm chung không thể niệm Phật, xin chép ra đây:
1- Không gặp người trí thức nên không đi khuyên niệm Phật.
2- Nghiệp khổ buộc trong thân, không rảnh trí mà niệm Phật.
3- Trúng gió tắt tiếng, không xưng niệm hiệu Phật được.
4- Cuồng tâm loạn trí không thể niệm Phật được.
5- Chết chìm, chết thiêu không thể niệm Phật được.
6- Gặp nạn hùm, gấu mà không có ai nhắc niệm Phật được.
7- Gặp bạn ác khuyên điều tà, không tin Phật nên chẳng niệm được.
8- Ăn no quá độ rồi bị hôn mê mà chết nên không thể niệm Phật được.
9- Chết trong trận giặc không thể niệm Phật được.
10- Té xuống từ núi cao mà chết, không niệm Phật được.
Hành giả Minh sát Khổ thường xuyên giác ngộ lý Tứ Đế không sợ mê muội vào lúc lâm chung, dù không niệm Phật nhưng vẫn chánh niệm, giác tỉnh thì không bao giờ sa đọa xuống khổ cảnh. Nhưng hành giả không nên giải đãi dể duôi, mà phải bắt đầu cho sớm thành thói quen, đừng đợi tuổi già mới Minh sát Khổ.
Namo Buddhaya