Hết thảy chúng sanh đều có Phật tánh, đều là cha mẹ quá khứ, là chư Phật vị lai. Lập cách cứu giúp còn e chưa kịp, há nên để thỏa thích miệng bụng mình, bèn giết hại thân xác chúng nó ư? Phải biết rằng các loài vật bay trên không, lặn dưới nước đều cùng có cái tâm linh minh giác tri, nhưng vì túc nghiệp sâu nặng đến nỗi hình thể khác xa, miệng chẳng nói được. Xem tình cảnh chúng đi tìm cái ăn, tránh né cái chết, sẽ nhận ra chúng chẳng khác gì con người!
Chúng ta nhờ sức túc phước, may được làm người, tâm có trí lự, phải nên luôn nghĩ đến dân chúng và loài vật cùng [sanh từ] một bọc cha trời, mẹ đất, mới hòng chẳng phụ bạc cái lẽ “con người đứng cùng trời đất thành Tam Tài” để tán trợ, tham dự quyền sanh thành của trời đất, phải mong cho mọi người cùng loài vật đều được sống yên ổn, cùng được trời che, đất chở, cùng vui hưởng tuổi thọ thì mới nên! Nếu chẳng hiểu thấu đức hiếu sanh của trời đất, buông lung ý niệm tham ăn tục uống của chính mình, cậy mình khỏe, hiếp kẻ yếu, ăn thịt nó để no đẫy bụng mình, ắt đến một ngày nào đó, túc phước đã hết, sát nghiệp hiện tiền, muốn chẳng thay đầu, đổi mặt, bị chúng nó ăn, giết trở lại, há có được chăng?
Vả nữa, ăn thịt có chất độc, do lúc các con vật bị giết, tâm oán hận kết lại. Bởi thế, khi ôn dịch lưu hành, người ăn chay rất ít người bị nhiễm phải. Hơn nữa, thịt là vật uế trược. Ăn vào máu sẽ bẩn, tinh thần tối tăm, thấy mạnh mẽ ngay đó, nhưng hiệu quả tan đi rất nhanh, rất dễ tạo thành đầu mối cho bệnh tật. Rau cỏ là vật thanh khiết, ăn vào khí thanh, trí rạng, khỏe mạnh lâu, già chậm, giàu chất bổ. Tuy đây là lời bàn luận thông thường về phép vệ sinh, nhưng thật sự là lời luận định cùng tột về tánh. Do thói quen kéo dài đến nỗi [con người] mê man [ăn thịt, tàn sát], chẳng tỉnh.
Hãy nên biết: Người nhân từ với dân, ắt thương yêu loài vật. Người giết loài vật, quyết khó thể là người có lòng nhân với dân, do tập tánh sai khiến như thế. Vì vậy, thánh vương trị thế, chim thú cá, rùa đều yên vui. Đạo sáng dạy dân thì gậy nhựa dính, ná bắn đạn đều bỏ sạch. Hãy thử nghĩ: Từ xưa đến nay, phàm là kẻ tàn nhẫn tham ăn tục uống, phần nhiều dòng dõi bị tuyệt diệt. Người nhân ái tử tế, con cháu ắt hưng thịnh. Kẻ khởi đầu thói ác, Khổng Tử nói quyết đoán kẻ ấy vô hậu; kẻ mặc sức ăn thịt, Như Lai dự ký ắt phải đền trả. Xin chớ nói suông “xa lánh bếp núc”, đấy chỉ là cách nói quyền biến thuận theo thế tục, hãy nên vĩnh viễn dứt hẳn đồ hôi tanh thì mới là xứng lý thật nghĩa.
(Trích: Ấn Quang Đại Sư Gia Ngôn Lục, Mục IV: Khuyên chú trọng nhân quả, Giảng những điểm trọng yếu trong việc kiêng giết)