Chúng ta thấy Phổ Hiền Bồ tát dùng sức thần thông tự tại, oai đức vô song, cùng chúng Bồ tát, Bát bộ Thiên long vượt qua các cõi, đến Kỳ Xà Quật ra mắt Thích Tôn. Đó là hình ảnh Phổ Hiền của hội Pháp Hoa, đã thành tựu quả đức nên không còn gì có khả năng làm chướng ngại bước chân hành đạo của ngài.
Bồ tát Phổ Hiền thay cho chúng ta hỏi Phật rằng sau khi Như Lai diệt độ, phải làm thế nào để có kinh Pháp Hoa, tức Phật tại thế thì có kinh Pháp Hoa, nhưng Phật nhập diệt, kinh này không còn. Câu hỏi của Phổ Hiền nhằm nhắc nhở chúng ta rằng kinh là sức sống thật, không phải cuốn sách giấy trắng mực đen, thường được Phật ví như hình ảnh lá trong tay lìa khỏi sự sống. Trên tinh thần ấy, kinh Pháp Hoa tiêu biểu cho cuộc sống toàn thiện toàn mỹ, hay chính Đức Phật thể hiện trọn vẹn bộ kinh Pháp Hoa.
Thật vậy, cuộc đời của Ngài gồm đủ hai khía cạnh, bên trong hàm chứa trí tuệ siêu tuyệt (Diệu pháp), bên ngoài là mẫu người thánh thiện tột bậc, không lỗi lầm, ví như hoa sen không nhiễm bùn (Liên hoa). Như vậy, phải hiểu kinh Pháp Hoa tổng hợp phước đức và trí tuệ của Phật. Không lãnh hội ý này, thì tụng 28 phẩm kinh Pháp Hoa suốt đời cũng như dã tràng xe cát.
Đức Phật hiện hữu, tức còn Pháp Hoa, hay trí tuệ và đạo đức soi sáng cho đời. Nhưng Phật nhập diệt thì sao. Phật dạy rằng nếu ở đời sau, muốn có kinh Pháp Hoa hay thành Phật như Ngài, cần tu bốn pháp là phải biết nhìn xa như các Đức Phật, thấy đúng sự thật của tam thế gian, quyết trồng căn lành ở tâm niệm chúng, bảo vệ sự sống cho mọi hàm linh và phải chuyên tinh tu tập Thiền quán.
Phải biết nhìn xa như các Đức Phật, xa về thời gian lẫn không gian, thấu suốt Pháp giới, không nên nhìn thiển cận, tức phải suy nghĩ đến năm, mười năm sau, cho đến trăm ngàn kiếp tới, chúng sanh và ta hành đạo như thế nào, đừng rơi vào cục bộ. Thực tế chúng ta thường thấy có người ham lợi trước mắt, nhưng không biết cái hại lâu dài, nên họ thành công chỉ một lần, để mười lần khác gẫy đổ, hoặc chỉ hưởng trong một kiếp này, nhưng kiếp sau đọa địa ngục. Riêng tôi, từ thuở nhỏ, trên bước đường tu, thường nghĩ sẽ làm gì trong tương lai gần, cho đến các kiếp sau nữa. Vì vậy, những gì hiện tại tôi dễ dàng vứt bỏ để suy tư cho việc kế tiếp tốt đẹp hơn. Trái lại, bám giữ cái nhỏ nhặt hiện tại sẽ làm hỏng tương lai tươi sáng của chúng ta.
Trở lại thực tế cuộc sống, chúng ta hành đạo, phê phán đối tượng không qua bề ngoài; nhưng cần thấy rõ căn tánh hành nghiệp của họ, theo đó mà giải quyết. Giải được nghiệp, tức xét đoán vấn đề tận gốc rễ, chẳng còn gì tồn đọng khó khăn. Theo dấu chân Phật tu, chúng ta nhận rõ ý này. Tuy Ngài im lặng, không rầy mắng, nhưng thực sự đã nói thẳng vô nghiệp của chúng ta. Thiết nghĩ, thực sự tu hành, ai mà không nhói tim khi tự xét thân phận mình còn nhiều lỗi lầm sai trái, từ đó nỗ lực sửa đổi thân tâm, thì sẽ nhận thấy rõ ác nghiệp của chúng ta giảm và công đức dần dần tăng trưởng.
Tu tạo cho đạt được sự hiểu biết rộng xa và thấy đúng sự thật của tam thế gian, không phải nhìn theo biên kiến, tà kiến của chúng sanh. Tôi áp dụng ý này bằng cách quan sát sự kiện và dự đoán mười năm nữa sẽ ra sao. Sau đó, theo dõi xem xét kết quả có đúng như chúng ta phỏng đoán hay không. Làm như vậy là tu tập kiểm tra sự nhận thức của chúng ta, cho đến khi hiểu biết về hiện tại và tương lai chính xác một trăm phần trăm là đạt đến quả vị Toàn giác.
Thấy đúng sự thật của tam thế gian, tức thấy ngũ ấm, quốc độ và chúng sanh. Nghĩa là Đức Phật thấy rõ, không hề sai lầm, chúng sanh trôi lăn trong sáu đường sanh tử, thấy cả sự thay đổi trong vũ trụ. Chẳng những biết diễn biến của chúng mà Ngài còn soi rọi bằng trí Bát nhã, thấu suốt nguyên nhân cấu tạo nên ngũ ấm, chúng sanh và quốc độ. Trái lại, sự thấy biết của chúng sanh còn quá hạn hẹp, nên dẫn đến nhiều hậu quả tệ hại, mà trầm trọng nhất là phá hủy môi trường sống của mọi loài.
Trang bị sự thấy biết đúng đắn lâu dài rộng lớn như vậy để nhằm mục đích gieo trồng căn lành ở tâm niệm chúng. Cuộc đời hành đạo của Đức Phật thể hiện rõ pháp này, hoằng hóa độ sanh đến nơi nào, Ngài đều tạo cảm tình tốt đẹp, khơi dậy tâm Bồ đề cho họ. Vì vậy, đi theo lộ trình của Phật, tôi thường cân nhắc xem có thể làm gì giúp người thăng hoa đạo đức, phát triển khả năng, lưu lại trong lòng họ niềm hoan hỷ. Tôi sợ nhất làm mất lòng người, dù là trẻ con hay gà vịt, muỗi mòng. Đôi khi vì vô tình, chúng ta đã làm hại mạng sống của các loài hạ đẳng, nên đời này gặp lại nhiều oan trái, chướng duyên. Để trồng căn lành nơi tâm chúng sanh, tôi thường sám hối những lỗi lầm vô tình đã tạo với các sinh vật hay người, để họ không oán giận. Và tiến xa hơn nữa, phải bảo vệ mạng sống cho mọi hàm linh. Đó là điều cần thiết, vì ý thức được rằng, chúng ta phải hiện hữu và phát triển trong mối tương quan, tương duyên cộng tồn của tất cả muôn loài. Trong sự quan hệ hỗ tương ấy, vòng rào tình thương che chở cho ta an toàn nhất.
Điều kiện cuối cùng nhưng quan trọng nhất là phải chuyên tu Thiền quán. Vì thành tựu ba pháp trên mà không có định tâm, không phát sanh trí tuệ vô lậu, tâm còn u mê với tam độc tham, sân, si, thì cũng không có Pháp Hoa. Tâm bình ổn là định và nhìn sự vật chính xác theo đúng thời điểm hiện tại là huệ, không phải y theo những gì của hai ngàn năm trước. Trên tinh thần ấy, các Thiền sư Việt Nam đã ứng dụng cốt lõi Pháp Hoa, nên tâm sáng của các ngài, điển hình như Vạn Hạnh, Khuông Việt, đã giúp vua Đinh, vua Lý thay đổi được cục diện đất nước một cách tốt đẹp. Hoặc vua Lý Thái Tông dạy Ỷ Lan nhất tâm Thiền định để thay ông điều hành việc nước và bà đã thành công đến độ được người đời ca ngợi là Quan Âm.
Nếu đầy đủ bốn pháp trên thì có Pháp Hoa, bốn biển là nhà, thân trùm Pháp giới. Không được như vậy, tất nhiên không có Pháp Hoa, tức không thành Phật.
Đối trước những điều kiện quá khó như vậy, đại chúng ngơ ngác, muốn nhập diệt. Tiêu biểu như Xá Lợi Phất, trí tuệ bậc nhất trong hàng A la hán, nhập Niết bàn trước Phật một ngày, vì chỉ kính nể Đức Phật, chỉ hành đạo được dưới sự dìu dắt của Ngài.
Nhận thấy sự khó khăn ấy, Phổ Hiền Bồ tát liền phát nguyện sau Phật diệt độ, ngài sẵn sàng gia bị cho hành giả đời sau tu để giữ pháp tồn tại trên thế gian. Nếu người hoằng dương chánh pháp, tất yếu phải gặp sức cản của ma là Ngũ ấm ma, Phiền não ma, Thiên ma và Tử ma. Bốn loại ma này thường liên kết với nhau để nhiễu hại người tu. Nếu quyết tâm tu, Phổ Hiền sẽ giải quyết giúp chúng ta. Ngài chặn ma lại và dùng thần thông làm ma phát tâm, hộ trì chánh pháp.
Phổ Hiền phát nguyện như vậy, nhưng thực hiện được hay không lại là việc khác; vì thực tế, có người được ngài giúp đỡ, ngăn ma lại, có người ngài cứ để mặc cho ma phá. Riêng tôi, tu Phổ Hiền hạnh, đối với người chống phá, tôi không phản ứng, chỉ gia công tu hành, tin tưởng ở lực Phổ Hiền gia bị, kết quả người chống trở thành người ủng hộ.
Nếu hàng trung căn, không hiểu nghĩa lý kinh, Phổ Hiền dạy nên suy nghĩ thường trú Pháp thân. Theo tinh thần phẩm Như Lai Thọ Lượng, thường trú Pháp thân của Phật hiện hữu trong sanh thân của tất cả những người tu hành trên thế gian, nếu họ đi đúng lộ trình, minh tâm kiến tánh.
Ý thức sâu sắc Pháp thân Phật truyền thông cho ta, tâm chúng ta hoàn toàn đổi khác, quán sát chúng sanh như là quyến thuộc. Phát triển tình thương cho người, giúp người, nhưng thực sự chúng ta nhận được nhiều an vui, lợi lạc. Kinh nghiệm tu hành riêng tôi, ứng dụng lời Phổ Hiền dạy, tôi không có gì cho người, ngoài tình thương và tôi nhận được thành quả tốt đẹp cũng nhờ tình thương của đại chúng đáp lại.
Với người thấp kém, Phổ Hiền dạy trì kinh Pháp Hoa trong hai mươi mốt ngày thì sẽ thấy Ngài, được tam muội và đến Trời Đâu Suất, ra mắt Di Lặc. Riêng tôi, chứng nghiệm pháp tu gia hạnh Phổ Hiền trong ba tuần, bao nhiêu phiền não trần lao tự tiêu tan, tâm hồn thanh thoát, thấy được diễn biến của cuộc đời chính xác hơn.
Tóm lại, khi hành giả nhận được lực Phổ Hiền gia bị, thấy được Thích Tôn và tứ chúng ở Linh Thứu sơn. Trở lại thực tế hành đạo, tâm hành giả yên tĩnh, trí sáng suốt, làm việc lợi ích cho người, theo tinh thần vị tha vô ngã. Công đức của hành giả thật vô cùng; không mũi tên làn đạn nào có thể xuyên thủng đức hạnh và việc làm thánh thiện. Sự hiện hữu của hành giả Pháp Hoa tiêu biểu như vậy, xứng đáng cho trời người cúng dường, đảnh lễ.