Tiếp đó, [sách Chú Giải] lại nói: “Hựu, nhất thiết Thiền Định diệc danh Định, diệc danh tam-muội” (Lại nữa, hết thảy Thiền Định còn gọi là Định, còn gọi là tam-muội). Chữ Tam trong tiếng Phạn dịch là Chánh, Muội dịch là Định, nên nó có nghĩa là Chánh Định, chẳng phải là tà định, mà là chánh định. Bất luận là Đại Thừa hay Tiểu Thừa, Hiển Giáo hay Mật Giáo, trên thực tế, tám vạn bốn ngàn pháp môn, môn nào cũng đều là tu Tam Ma Địa. Nếu tu hành Phật pháp mà tách rời Tam Ma Địa, chẳng tương ứng với Tam Ma Địa, đó chẳng phải là Phật pháp. Hễ là Phật pháp, nhất định tương ứng với Tam Ma Địa. Niệm Phật đắc Niệm Phật tam-muội, đó là Chánh Định. Kinh Di Đà có nói: “Nhất tâm bất loạn”. Kinh Vô Lượng Thọ nói: “Nhất hướng chuyên niệm A Di Đà Phật”. Những điều ấy đều là “thiện tâm nhất xứ, trụ bất động”. Chúng ta thấy rất nhiều ông già bà cả niệm Phật vãng sanh, niệm bao lâu? Ba năm! Thời gian trọn chẳng dài, lúc mất, người ta chẳng ngã bệnh, đứng mất, ngồi mất, biết trước lúc mất, ra đi rất tiêu sái.
Hơn bốn mươi năm trước, tôi dạy học tại Phật Quang Sơn Đông Phương Phật Giáo Học Viện, khi ấy, trên núi có một vị công nhân dài hạn, cũng là người nông thôn, kể với tôi: Nhà ông ta ở làng Tướng Quân, cách Phật Quang Sơn không xa lắm, đại khái chỉ có hai mươi, hoặc ba mươi dặm đường. Ông ta kể một năm trước đó, nói đến chuyện một năm trước đó, ông ta có một người hàng xóm, là một bà cụ. Bà cụ ấy hết sức thiện lương, lạy thần, bái Phật, thần Phật chẳng phân biệt, lạy rất siêng năng, hăng hái. Ba năm trước, bà cưới dâu. Con dâu học Phật, hiểu đạo lý nhà Phật đôi chút, khuyên mẹ chồng đừng đi khắp nơi lễ bái, hãy thờ Tây Phương Tam Thánh trong nhà, khuyên mẹ ở nhà niệm Phật, nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Bà cụ ấy thiện căn sâu dầy, nghe con dâu khuyến cáo, không tới đền miếu nữa, ở nhà niệm A Di Đà Phật, niệm ba năm. Ngày cụ vãng sanh, lúc dùng cơm chiều, bảo con trai và con dâu: “Các con cứ ăn cơm trước, đừng đợi mẹ”.
Cụ bảo cụ muốn tắm rửa. Thật sự đi tắm, nhưng con trai và con dâu thật sự hiếu thuận, vẫn đợi cụ. Đợi thật lâu, chẳng thấy cụ ra, bèn đi tìm, thấy cụ thật sự đã tắm xong, thay quần áo, nhưng gọi thì cụ chẳng trả lời. Kết quả là sau đó thấy cụ đứng trong Phật đường, đứng ở đó, mặc áo hải thanh, tay cầm tràng hạt, gọi cụ, cụ chẳng trả lời. Xem kỹ, cụ đã vãng sanh. Quý vị thấy cụ tiêu sái lắm, biết trước lúc mất, nhưng không cho người nhà biết, sợ người nhà dấy động cảm tình, chướng ngại cụ. Quý vị thấy cụ tắm gội sạch sẽ, thay quần áo mới, đã sớm chuẩn bị kỹ càng để ra đi như thế đó! Vị công nhân dài hạn ấy bảo tôi: Thật đấy! Chính mắt ông ta thấy, bà cụ niệm Phật chẳng giả, ba năm thôi! Chúng tôi nghe nói hoặc chính mình thấy, tối thiểu cũng có mười mấy người, chẳng giả chút nào. Đó là “thiện tâm nhất xứ, trụ bất động” liền thành công.
(Trích: Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa, tập 121)