Kẻ khéo trị bệnh sẽ trị từ lúc bệnh chưa phát, sẽ được lợi ích sâu xa mà chẳng tốn kém. Vì thế, nói: “Chí trị vu vị loạn, bảo bang vu vị nguy” (Đạt đến yên ổn khi chưa loạn, bảo vệ đất nước khi chưa nguy). Như vậy là đã không có cái gọi là bệnh thì đâu cần phải trị nữa? Tuy nhiên, người làm được như vậy có mấy ai? Con người sống trong thế gian, chỉ có sống và chết là quan trọng nhất. Nếu chẳng hiểu thấu đạo ấy thì khi sanh nở, rất có thể mẹ lẫn con cùng chết. Dẫu cho chẳng chết, chắc cũng oan uổng chịu đủ mọi thống khổ, trong khi chết chắc vạn phần may lại được sống, thật đáng thương xót quá! Cư sĩ Cách Trai đặc biệt soạn ra Đạt Sanh Thiên để chỉ rõ sản nạn trong thế gian, phần nhiều do tưởng lầm những cơn đau bụng quặn lên là vì sắp sanh, đến nỗi sanh ra đủ mọi hiểm nạn như sanh ngang, sanh ngược v.v… Đấy là một điều quan hệ lớn lao khi sanh nở.
Lại nói: “Dưỡng thai bằng cách tuyệt dục, đấy là ý nghĩa bậc nhất”. Vì thế, tâm pháp đầu tiên để dưỡng thai là phải kiêng ăn nằm. Thiên sách ấy ghi: “Hễ vợ có thai rồi thì phải hết sức kiêng ăn nằm. Đó là lý do vì sao người xưa hễ có thai bèn ở phòng khác, chẳng ngủ chung với nhau nữa vì sợ dấy lên dục niệm. Nói chung, trước khi thai được ba tháng mà phạm [chuyện cấm kỵ ấy] thì, do dục niệm dấy lên, tử cung lại bị mở ra, rất dễ bị nguy cơ chảy máu, động thai. Sau khi thai đã được ba tháng mà phạm lỗi ấy thì bọc thai sẽ dầy, khó sanh. Phải biết lửa dục làm tổn thương thai đến nỗi những chất nhơ bẩn lắng đọng. Hơn nữa, những đứa nhỏ thân có chất nhơ màu trắng, đậu mùa, ghẻ chốc khó chữa lành được đều là vì cha mẹ chẳng cẩn thận”. Đây chính là điều có quan hệ lớn lao lúc mới thọ thai vậy.
Nếu biết mối quan hệ giữa chuyện thọ thai và sanh nở thì hễ sanh nở chẳng bị các nguy cơ sẩy thai hay khó sanh, mà con cái sanh ra đều có thể chất mũm mĩm, tánh tình dịu dàng, hiền lành, đã ít bị lên sởi, lên đậu v.v… lại sống lâu, mạnh khỏe. Nếu con người sẵn biết những nghĩa này, thân tâm ắt sẽ yên vui, con cháu hiền thiện, gia tộc tiếng tăm rạng rỡ, hữu ích cho xã hội. Đấy gọi là “trị bệnh phải trị từ lúc chưa có bệnh”, mà cũng bao gồm những lợi ích thù thắng như “đạt đến yên ổn từ lúc chưa loạn, bảo vệ đất nước khi chưa nguy ngập”. Vì thế, nói rằng cuốn sách này cũng quan trọng lắm!
Ông Trương Thiện Trưng ở Duy Dương do mẹ là phu nhân họ Lưu qua đời lúc tuổi còn rất bé, chưa thể phụng dưỡng ngọt bùi trong thuở sanh tiền, muốn vì báo đáp mẹ sẽ khiến cho hết thảy những người làm mẹ, những kẻ làm con đều được hưởng thụ lợi ích yên vui, trường thọ, bèn phát tâm ấn hành bốn vạn cuốn sách này để tặng hết thảy những ai hữu duyên, khiến cho họ đều biết cách trị bệnh từ lúc chưa bệnh và cách trị khi đang bị bệnh, ngõ hầu chẳng đến nỗi bị đau khổ trong khi sanh nở và mang nỗi lo sanh con nhưng chẳng nuôi lớn được!
Hơn nữa, từ xưa đến nay, những đứa mắc chứng kinh phong lâu ngày, mười đứa hết chín bị chết rất nguy hiểm, nhưng y theo thiên sách Phước Ấu do tiên sinh Trang Nhất Quỳ biên soạn để trị thì mười đứa sống được cả mười, quả thật là cuốn sách quan trọng nhất về bệnh tật trẻ nhỏ, nên cũng in kèm vào cuối sách để được lưu truyền rộng rãi. Nhân đấy, bèn cho đánh máy thành bốn bản để những người sau này muốn tạo phước lợi cho người khác sẽ ấn loát thuận tiện.
Hơn nữa, cái nhân gần của tai biến khi sanh nở, đã được trình bày như trên rồi. Nếu bàn về cái nhân xa thì phần nhiều do sát nghiệp trong đời trước hay đời này chiêu cảm. Nếu con gái từ lúc thơ ấu thường niệm thánh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật và Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát sẽ tự tiêu trừ được sát nghiệp trong đời trước và đời này. Hễ sát nghiệp tiêu thì sanh nở sẽ chẳng bị [oán gia] gây chướng ngại chẳng sanh được. Đấy cũng là một cách trị sẵn trước khi chưa bệnh. Hoặc nếu có kẻ chưa được nghe Phật pháp, nhưng tới lúc sanh nở, nếu chẳng sanh được ngay, hãy nên dạy sản phụ và những kẻ thân thuộc chăm sóc bên cạnh đều dùng tâm chí thành niệm Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát thì tất cả những oán gia đời trước gây chướng ngại [khiến cho sản phụ] chẳng thể sanh vừa được nghe danh hiệu Bồ Tát sẽ do oai đức, thần lực của Bồ Tát mà liền tránh xa, chẳng dám khuấy rối nữa! Có kẻ nói đang sanh nở lõa lồ bất tịnh, niệm danh hiệu Bồ Tát chắc sẽ mắc tội khinh nhờn. Đấy chính là đem tình kiến phàm phu để lầm lạc suy lường tâm hạnh của Bồ Tát. Chẳng biết đấy là lúc liên quan đến tánh mạng, chẳng thể đem lúc bình thường trọn chẳng bị bệnh khổ để bàn luận. Ví như con cái té vào lửa nước, gọi cha mẹ cầu cứu, cha mẹ nghe được liền đến cứu ngay, trọn chẳng vì [đứa con] áo mũ không tề chỉnh, thân thể chẳng sạch sẽ mà chẳng chịu cứu giúp.
Một đệ tử của tôi mấy năm trước ở Tứ Xuyên đến nhà một người bạn, nghe người vợ bạn kêu gào rất thương tâm, nhân đó hỏi thăm duyên cớ. Người bạn đáp: “Vợ đã hai ngày không sanh con ra được, sợ chẳng giữ được tánh mạng”. Ông ta nói: “Hãy gấp bảo sản phụ niệm thánh hiệu Quán Thế Âm, còn ông ở ngoài giếng trời, đốt hương quỳ niệm, đảm bảo sẽ sanh ngay”. Người ấy liền nói với vợ, lại còn tự niệm. Chẳng mấy chốc liền sanh ra đứa nhỏ mà người vợ vẫn chưa hay. Đến khi nghe con khóc mới biết đã sanh rồi. Người vợ kể: “Khi trước lúc sắp sanh, thấy một người dùng vải chèn kín phần dưới thân thể nên sanh không được. Đến khi niệm thánh hiệu Quán Thế Âm thấy vải bị tuột ra, nên sanh rồi mà vẫn không biết, nghe con khóc mới biết là con đã sanh!”
Cổ nhân nói: “Tử sanh diệc đại hỹ, khả bất bi tai!” (Chết – sống cũng lớn lao thay, chẳng đáng buồn ư?) Pháp môn Tịnh Độ đặc biệt lập ra cho lúc chết và sau khi chết đi thần hồn sẽ siêu sanh Tịnh Độ. Sách này lập ra cho khi sắp sanh và những cách bảo vệ, che chở sau khi đã sanh. Nguyện khắp những bậc nhân từ, quân tử lần lượt lưu truyền ngõ hầu nhà nào cũng có một bản, cùng nhau dốc sức vun bồi đức, tiết dục thì những điều đã được nói trong sách này sẽ đều chẳng cần đến nữa, và ý niệm của tiền nhân lưu thông, và ông Thiện Trưng in tặng, cũng như ý Bất Huệ trình bày hai mối quan hệ mới trọn chẳng còn tiếc nuối nữa!
(Trích: Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên – Lời tựa tái bản hai thiên sách Đạt Sanh và Phước Ấu)