Các đồng tu nhất định phải ghi nhớ:
Để tiêu nghiệp chướng thì niệm Phật là diệu pháp bậc nhất.
Dẫu nghiệp chướng của quý vị lớn đến đâu đi nữa, dẫu sâu nặng đến mấy, một câu A Di Đà Phật đều tiêu diệt. Điều then chốt là phải giác, cổ nhân thường nói: “Chẳng sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm”.
Ví như một niệm sân khuể vừa dấy lên trong tâm ta, liền lập tức nhận biết, ta sai rồi, đó gọi là sám hối. Một niệm tâm ganh tỵ vừa sanh khởi, ta sai rồi, ta là người niệm Phật, nếu muốn đến Tây Phương Cực Lạc thế giới thấy A Di Đà Phật, làm sao có thể ôm giữ ý niệm này cho được ?
Niệm ấy vừa sanh bèn lập tức giác ngộ, đó gọi là khai ngộ, người ấy là giác chứ không mê. Người ấy vừa giác, niệm ấy chẳng còn nữa, đã tiêu trừ, nghiệp chướng liền tiêu. Nếu như ý niệm xấu ác ấy tăng trưởng trong mỗi niệm thì là bất giác, là mê.
Nếu quý vị muốn thật sự giác ngộ, thật sự không mê, phải xem nhạt hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian, phải buông xuống.
Sở dĩ con người mê hoặc, điên đảo, chẳng thể giác ngộ, là do quá coi trọng các pháp thế gian, không chịu buông xuống, nên niệm niệm tăng trưởng mê tình, chẳng thể giác ngộ.
Chuyện gì quý vị cũng coi nhạt, sẽ giác ngộ dễ dàng. Hễ giác ngộ, lập tức dấy lên một câu Phật hiệu, cũng có nghĩa là niệm thứ nhất của ta là vọng niệm, niệm thứ hai là A Di Đà Phật, chuyển thật mau; đó gọi là “chẳng sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm”.
Niệm thứ hai ta liền giác, liền chuyển thành A Di Đà Phật, khiến cho một niệm A Di Đà Phật này tăng trưởng trong mỗi niệm, khiến cho hết thảy các vọng niệm khác chỉ tồn tại trong một niệm, qua niệm thứ hai bèn chẳng còn nữa, tối đa là khởi một niệm, chứ niệm thứ hai, thứ ba, quyết định sẽ chuyển thành niệm A Di Đà Phật.
Người như vậy có phước, chắc chắn thành Phật trong một đời này! Người như vậy có đại phước đức, đại trí huệ, chẳng ai có trí huệ cao hơn người ấy !
H.T. TỊNH KHÔNG !