Chúng ta vẫn có cách để thoát khỏi bệnh ôn dịch virus sars; chính là phát khởi tâm từ bi: kiêng giết [không giết hại động vật nhằm ăn thịt của chúng], phát tâm thường xuyên ăn chay, sám hối nghiệp sát đã tạo, giữ cho tâm địa luôn thanh tịnh [Niệm Phật]
Nay chúng ta lại gặp một kiếp nạn, hiện thời mọi người thường nhắc tới: Thân tâm đều bất an, bệnh cúm gia cầm do loài chim (ôn dịch, bird flu) lây lan. Tức là nói ôn dịch ấy do trời giáng xuống, phiền toái rất lớn! Hiện thời là mùa Đông, cổ nhân Trung Hoa thường nói: “Chỉ sợ bệnh dịch mùa Đông chuyển thành bệnh dịch vào mùa Xuân”, tai hại sẽ to lớn! Nhưng chúng ta nhìn vào hiện tượng trước mắt, rất có thể là bệnh dịch mùa Đông sẽ chuyển thành bệnh dịch mùa Xuân! Hôm trước, có bạn bè đến phỏng vấn, chúng tôi còn thâu một cuốn băng, đài TV Hoa Tạng cũng đặc biệt hỏi về vấn đề này! Nguyên nhân thật sự là gì? Vẫn chẳng phải là do cầm thú bị ăn quá nhiều, chúng nó đến báo thù hay sao? Quý vị hãy nghĩ xem, có hợp lý hay không?
Chúng ta thấy căn bệnh dịch này, lại thấy tin tức thông báo: Ở những chỗ bắt đầu phát hiện chứng ôn dịch ấy, họ giết sạch gà, vịt, ngỗng ở đó. Hễ giết, bèn giết mấy chục vạn con, mấy trăm vạn con, tạo thành nghiệp nhân của chứng bệnh cúm gia cầm đấy nhé! Quý vị giết súc sanh nhiều ngần ấy, trong số đó, có những con chẳng bị nhiễm bệnh, quý vị đã giết chúng nó trước, oán khí ấy đến cỡ nào? Quý vị chôn xác chúng ở đó, sau khi rữa nát, sẽ biến thành virus gây bệnh. Ngày nào đó, một cơn gió lớn cuốn qua, thổi đến nơi đâu, đến chỗ nào, virus liền lan truyền đến nơi đó. Đấy chẳng phải là biện pháp, chớ nên giết! Nếu con người trúng phải loại virus ấy, chẳng lẽ quý vị giết sạch người ở chỗ ấy hay sao? Chẳng thể làm như thế được, mà vội vã trị liệu, còn có thể cứu được một nửa. Tôi nghe những người trong giới y khoa bảo: Tỷ lệ sống sót của người nhiễm phải loại virus ấy là một phần hai, tức là một nửa có thể chữa khỏi, nửa kia trị chẳng lành. Nếu quý vị hiểu đạo làm người, có tâm yêu thương, phát hiện những gia cầm hoặc loài chim (đối với loài chim, quý vị chẳng thể khống chế chúng dễ dàng. Gia cầm trong nhà thì dễ khống chế) mắc bệnh, hãy gắng chữa bệnh cho chúng, giống như đối với người, nghiên cứu phương pháp trị liệu, giúp cho chúng nó khôi phục, khỏe mạnh, đó là đúng. Chớ nên giết! Càng giết, càng nghiêm trọng; càng giết, [bệnh tật] càng nhiều. Đấy chẳng phải là biện pháp.
Muốn diệt trừ chứng ôn dịch này, phải dùng cách trị liệu, chớ nên dùng cách sát hại. Khá nhiều người hỏi tôi, tôi có cách nhìn như thế đó. Gia súc, gà, vịt bị cúm, nếu có thể cho chúng uống thuốc chữa cảm mạo, chữa khỏi rất dễ dàng, còn hữu hiệu hơn [chữa bệnh cho] con người! Vì sao chẳng giúp đỡ chúng, chẳng trị bệnh cho chúng, mà lại giết chết chúng? Quý vị kết mối oán cừu này đã sâu lắm, oan oan tương báo. Người hiện thời chẳng tin chuyện này, chẳng có cách nào hết! Chẳng phải là nói không tin bèn chẳng có đâu nhé, vẫn có y hệt! Đến lúc oan oan tương báo, quý vị hối hận thì đã muộn. Quý vị giải thích với chúng như thế nào đây? Quý vị nói ta khi ấy vô tri, giết các ngươi oan uổng. Quả báo trong tương lai của quý vị cũng là bị kẻ khác giết chết oan uổng, cứ một báo đền trả một báo. Nhân duyên quả báo chẳng sai suyển mảy may!
Trong kinh, đức Phật đã nói: “Dục tri tiền thế nhân, kim sanh thọ giả thị. Dục tri lai thế quả, kim sanh tác giả thị”, [nghĩa là] những gì chúng ta tạo tác trong đời này chính là [cái nhân tạo thành] quả báo trong đời sau. Đời này thời gian ngắn ngủi, đời sau thời gian lâu dài. Trong lục đạo, chỉ có thời gian trong nhân đạo là ngắn nhất. Thiên đạo thọ mạng lâu dài, trong súc sanh có loài vật trường thọ. Thọ mạng trong địa ngục và ngạ quỷ đều rất dài, họ chịu khổ quả. Đức Phật lại nói: “Dục tri thế thượng đao binh kiếp, đản thính đồ môn dạ bán thanh” (Muốn biết đao binh trong cõi thế, lò mổ hãy nghe tiếng nửa đêm). Nửa đêm giết lợn hiện thời chẳng nhiều như vậy. Hiện thời là giết mổ với một số lượng lớn; vì thế, chiến tranh hiện thời khác hẳn xưa kia. Hiện thời, có vũ khí sát thương với quy mô lớn: Một quả bom hạch nhân (bom nguyên tử) nổ, sẽ giết chết mấy trăm vạn người, há chẳng phải là vì hiện thời giết mổ những loài súc sanh [với số lượng quá lớn] ư? Một trận ôn dịch giết chết mấy vạn, mấy chục vạn, trên trăm vạn người, há chẳng phải là chuyện giống như bom nguyên tử bùng nổ ư? Nhân như thế nào, quyết định cảm quả báo như thế ấy, chớ nên không biết, chớ nên chẳng suy nghĩ kỹ càng!
Đồng học tới hỏi tôi, tôi giảng Phật pháp cho họ nghe, tôi nói chánh lý, nhất định chớ nên kinh hoảng! Tai nạn còn chưa giáng xuống thân, chính mình lại hoảng hốt, sợ hãi, bị nó dọa sợ gần chết, quý vị nói có oan uổng hay không? Là chuyện rất oan uổng! Quý vị còn chưa mắc bệnh, ở trong nhà, hằng ngày bị nỗi sợ hãi dọa chết ngất, sai mất rồi! Cổ nhân nói có lý lắm: “Sanh tử hữu mạng, phú quý do thiên” (Sanh tử có số, phú quý do trời). Quý vị chẳng đáng chết, dẫu tai nạn kiểu nào hiện tiền đi nữa, quý vị đều có thể miễn trừ. Chẳng phải là nói khu vực này hễ có tai nạn, mọi người đều chết sạch, chẳng còn một ai, chẳng thể nào! Vẫn có một số ít sống sót, chẳng bị kinh hãi bởi virus! Trong ấy có nghiệp nhân, nghiệp của mỗi cá nhân khác nhau!
Sau khi chúng ta nghe Phật pháp, hiểu những đạo lý này, bèn hạ quyết tâm chẳng kết ác duyên với chúng sanh nữa. Đối với những nghiệp duyên đã làm trong quá khứ, chúng ta thường xuyên sám hối, hồi hướng công đức do chính mình đã tu tập, tích lũy cho họ. Hằng ngày tu sám hối, hằng ngày hồi hướng cho họ, hy vọng họ cũng có thể biết: Trong quá khứ, chúng ta vô tri. Nay chúng ta khéo tu hành, trong tương lai, sau khi chính mình đã tu thành tựu, do họ có duyên với chúng ta, nhất định sẽ độ người hữu duyên trước. Họ ở trong lục đạo, khổ chẳng thể diễn tả nổi. Nếu có người độ họ, họ cũng hoan hỷ. Như thế chính là chúng ta “ta và người đều có lợi”. Nếu họ báo thù, gây chướng ngại, đôi bên đều bất lợi. Nếu nói rõ ràng, nếu hiểu minh bạch lý, tâm chúng ta sẽ định. Tâm đã định, sẽ chẳng có ngờ vực, chẳng bị lây nhiễm dễ dàng. Lây nhiễm là gì? Do có tâm kinh sợ! Nghe chuyện ấy rất sợ hãi, sẽ dễ dàng bị lây nhiễm. Chẳng để ý đến nó tí nào; đâm ra, chẳng bị lây nhiễm dễ dàng. Dẫu đã bị lây nhiễm, cũng đừng kinh hoảng, đừng sợ hãi, cứ coi như chẳng có chuyện ấy, hãy khéo niệm Phật. Chẳng thể trị bèn vãng sanh, thời gian vãng sanh đã đến rồi. Nếu trị lành thì cũng được, lại tu vài năm, có gì đáng sợ hãi cơ chứ?
Trung Y có toa thuốc. Năm trước có căn bệnh SARS, chúng tôi có được một toa thuốc rất tốt, tức là Tam Tiên Thang (三鮮湯). Toa thuốc ấy đã được công bố, chúng tôi đăng tải trên Internet, đài truyền hình vệ tinh Hoa Tạng cũng đã phát sóng. Nói thật ra, rất đơn giản! Cải bắc thảo (Napa cabbage), củ cải, đậu xanh, ba món ấy, tỷ lệ phải chánh xác. Nếu bị ho thì thêm lê, chẳng bị ho thì không cần thêm lê. Nấu thành nước canh uống như trà, một ngày uống hai, ba lượt bèn có thể dự phòng, mà cũng có thể trị liệu, rất đơn giản, chẳng phiền phức tí nào. Mùa Đông chính là mùa sanh trưởng của cải bắc thảo và củ cải, trời đã an bài chu đáo cho con người. Lúc này có ôn dịch, những thứ ấy có thể giải trừ ôn dịch. Quý vị phải tin tưởng, phải biết dùng, không chỉ là tự mình giúp đỡ chính mình, mà còn phải chẳng có tí ti tâm riêng tư nào, giúp đỡ người khác. Tôi đã thông cáo toa thuốc ấy trên đài truyền hình Hoa Tạng, mấy ngày nay chúng tôi phát hình vài lượt, khiến cho mọi người đều biết. Nói thật ra, những toa thuốc trị liệu như vậy trong Trung Y có rất nhiều, đúng lý phải đều là hữu hiệu. Chư vị có cơ duyên này, đều có thể hướng về những vị lang y thỉnh giáo để có nhiều toa thuốc hòng tham khảo. Hôm trước, cũng có một người bạn tặng tôi một toa thuốc, trị bệnh cúm gia cầm, dường như là dùng cây mắc cỡ (Mimosa Pudica). Nấu cây mắc cỡ khô với nước, bỏ thêm đường phèn. Nếu tìm chẳng được cây mắc cỡ khô, hãy nên dùng rễ cây mắc cỡ bán trong tiệm thuốc Bắc, cũng hữu hiệu! Người ấy dùng phương pháp này.
Do vậy, tôi hy vọng các đồng học gặp phải tai nạn này, chẳng kinh hoảng, chẳng sợ hãi, chớ nên khủng hoảng. Người ăn chay đã chẳng kết oán cừu với chúng sanh, trọng yếu lắm! Chúng ta hằng ngày sám hối, phải nhận sai. Quá khứ vô tri, đã sát hại rất nhiều chúng sanh. Chúng ta phải nhận sai, phải hối lỗi; từ nay trở đi, quyết định chẳng tổn hại chúng sanh. Một niệm thiện tâm sẽ hóa giải rất nhiều nỗi oán hận. Chúng ta khởi tâm động niệm, cảnh chuyển theo tâm, phải tin tưởng lời dạy của đức Phật: “Nếu có thể chuyển vật, ắt giống như Như Lai”. Một trăm bốn mươi mốt bài kệ trong phẩm kinh này là nêu tỷ dụ, các thí dụ nhằm dạy chúng ta chuyển đổi cảnh giới như thế nào! Thấu hiểu thì tốt lắm, có thể tự độ, lại có năng lực độ tha. Vì thế, chúng ta tu hành, học Giáo phải khéo lưu ý. Chúng tôi giảng phần Sớ của Thanh Lương đại sư đến đây!
(Trích: Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh, phẩm thứ 11: Tịnh Hạnh Phẩm, tập 1466)