Một vị Phật xuất thế, ngàn vị Phật ủng hộ. Một mình đức Phật Thích Ca đóng vai chánh, còn những vị khác đóng vai phụ. Trong những vai phụ, có rất nhiều vị là cổ Phật tái lai, Phật Phật đạo đồng, ủng hộ lẫn nhau, trọn không tranh chấp danh phận. Hết thảy nhằm phá mê khai ngộ cho chúng sanh, khiến họ lìa khổ, được vui. Từ ngữ “Pháp Thân đại sĩ” chỉ chung các vị đã phá một phẩm vô minh, chứng một phần Pháp Thân. Trong Biệt Giáo là từ Sơ Địa Bồ Tát trở lên, trong Viên Giáo là từ Sơ Trụ trở lên. Kinh này thuộc vào Viên Giáo, giống như kinh Hoa Nghiêm và kinh Pháp Hoa. Pháp Thân đại sĩ có bốn mươi mốt tầng cấp, tức Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, và Đẳng Giác. Họ thị hiện làm Thanh Văn, hoặc làm quốc vương, đại thần, như vua Ba Tư Nặc, Thái Tử Kỳ Đà, trưởng giả Cấp Cô Độc đều là hàng Pháp Thân đại sĩ biến hiện, tới biểu diễn, chứ phàm phu chẳng thể làm được. Phật nói pháp chẳng thể nghĩ bàn, những vị ấy đến làm chứng, giúp đỡ Phật chuyển pháp luân. Những tiêu chí thường thấy nhất trong Phật giáo là ba thứ:
- Bánh xe (luân) tượng trưng cho viên mãn.
-
Hoa sen biểu thị thanh tịnh.
-
Chữ Vạn (卍) biểu thị cát tường.
Phật pháp giảng giải chân lý, tức là Thật Tướng của các pháp. Chân tướng chẳng phải có, chẳng phải không. Luân (bánh xe) tròn khắp nhưng tìm chẳng được tâm, hiển thị Không – Hữu bất nhị, Không và Hữu như một. Tác dụng của Luân là phải chuyển động. “Chuyển pháp luân” có ba nghĩa:
- Luân có ý nghĩa nghiền nát, giống như xe ủi lô (xe hủ lô, road roller), sánh ví Phật pháp có khả năng cán phẳng phiền não trong tâm.
-
Luân có ý nghĩa chuyên chở. [Phật pháp] có thể chở chúng sanh từ đường nẻo sanh tử sang cảnh giới Niết Bàn bất sanh bất diệt. Chúng ta tu pháp môn Tịnh Độ, pháp môn này có thể chuyên chở chúng ta từ đời ác Ngũ Trược sang Tây Phương Cực Lạc thế giới.
-
Luân mang ý nghĩa viên mãn vì bánh xe có căm, có trục, có vành.
Trong thuở đức Phật Thích Ca thị hiện trong thế giới này, xét về mặt hình tích, chẳng khác gì con người, cũng do cha mẹ sanh ra, được hưởng sự giáo dục tốt đẹp, xuất gia, tu hành, chứng đạo, rồi mới đi các nơi hoằng pháp. Nhưng mọi nơi đều cần đức Phật thuyết pháp, giảng đạo, Phật có rất nhiều đệ tử, các vị ấy có học vấn, có đạo đức, đi các nơi giúp Phật hoằng hóa, nên quen thuộc với hết thảy đại chúng.
( Phật Thuyết A Di Đà Kinh Yếu Giải Giảng Ký – Phần 3 – Pháp sư Tịnh Không giảng thuật )