Thông thường người ta không hiểu rõ chân tướng sự thật, chân tướng sự thật là gì? Tất cả chúng sanh có tâm vô tâm khởi một niệm lên, mà không biết một niệm này ảnh hưởng đến mức nào, không biết tâm niệm này sẽ tạo nên kết quả như thế nào, họ hoàn toàn không biết, Bồ Tát Đại thừa thì biết được. Ở trong Tu Hoa Nghiêm Áo Chỉ Vọng Tận Hoàn Nguyên Quán, thấy được ba loại châu biến này, thì không thể lường được! Một tâm niệm cực kỳ vi tế, thậm chí tâm niệm đó chính bản thân chúng ta còn không biết được. Vì sao vậy? Tập khí mà, tập khí nhỏ nhoi, khởi lên một niệm, tâm niệm khởi lên là châu biến pháp giới, bạn xem mức ảnh hưởng có lớn không? Tin tức châu biến pháp giới này, ngày nay các nhà khoa học gọi là tin tức, trong Đại thừa giáo gọi là chuyển tướng, nó là năng biến, cảnh giới tướng là sở biến, tùy theo tâm niệm này mà biến. Niệm thiện thì biến thành cảnh giới thiện, niệm ác thì biến thành cảnh giới ác, ác niệm biến thành ngũ trược ác thế, niệm thiện biến thành thế giới Cực lạc, tâm niệm biến hiện, tâm niệm thiện ác đều không có, mới gọi là tịnh niệm. Chỉ cần có những tâm niệm này, thì đều là nhiễm ô, đều là không thanh tịnh. Đến Tứ thánh pháp giới, đoạn hết kiến tư phiền não, cũng có nghĩa là hai bên thiện ác đều không có, nó không tồn tại nữa, cho nên mới gọi Tứ thánh pháp giới là tịnh niệm, nơi mà những người này sống gọi là Tịnh độ, cái lý là ở chỗ này. Vẫn còn nhiễm tịnh thì đó không phải thật sự thanh tịnh, thật sự thanh tịnh là gì? Là ngay cả nhiễm tịnh cũng không còn. Bạn xem nhiễm tịnh vẫn là đối lập, vẫn là nhị pháp không phải là nhất pháp, trong nhất pháp, trong nhất pháp không có nhiễm tịnh. Nói cách khác, tất cả những thứ đối lập đều không tồn tại, đó gọi là nhất chân pháp giới, đó là thật báo trang nghiêm độ, đó là Viên giáo, đến Thật báo trang nghiêm độ là Viên giáo.
Đại thừa chung giáo, chung giáo là Đại thừa, Đại thừa là viên mãn, Đại thừa viên mãn hướng thượng nâng cao gọi là nhất thừa. Trong kinh Pháp Hoa nói: Duy có pháp nhất thừa, không hai cũng không ba. Hai là Đại thừa tiểu thừa, ba là Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, không có! Đó là giả thiết. Chỉ có pháp nhất thừa, không hai cũng không ba. Nhất thừa chính là Phật thừa, bạn vốn là Phật, bây giờ bạn quay về tự tánh, là bạn thành Phật, cho nên đây là điểm cuối cùng của Đại thừa. Điểm cuối cùng của Đại thừa ở đâu? Là Phật pháp giới trong Thập pháp giới. Họ chưa kiến tánh, vẫn như xưa dùng A Lại Da, nhưng mà họ dùng A Lại Da một cách viên mãn. Vì sao vậy? Vì họ tiếp thu sự chỉ dạy của Phật Bồ Tát, họ y giáo tu hành. Cho nên về mặt hình tướng, thấy họ và Phật không khác. Vì vậy Trí Giả đại sư nói về “Lục Tức Phật”, gọi những người này là Tương Tư Tức Phật, rất giống, rất giống Phật, nhưng chưa thể gọi là chân Phật. Vì sao vậy? Vì họ chưa thể chuyển thức thành trí, tâm mà họ dùng vẫn là A Lại Da, thật sự thành Phật, thì A Lại Da chuyển biến thành Tứ trí bồ đề, đó là chân tâm, họ vẫn còn dùng A Lại Da, nếu như chuyển bát thức thành tứ trí, thì đó là chân Phật, nhất chân pháp giới, gọi đó là minh tâm kiến tánh, Thiền tông gọi là minh tâm kiến tánh, trong Pháp tướng tông thì gọi là chuyển thức thành trí. Chuyển thức thứ sáu thành Diệu quan sát trí, chuyển thức thứ 7 thành Bình đẳng tánh trí, chuyển A Lại Da thành Đại viên cảnh trí, chuyển Tiền ngũ thức thành Thành sở tác trí, chuyển biến như thế thì vị này chính là chân Phật. Chân Phật vẫn chưa đạt đến cứu cánh viên mãn, cho nên Thiên Thai đại sư gọi đó là Phần Chứng Tức Phật. Từ sơ trụ của Viên Giáo đến đẳng giác đều gọi là Phần Chứng Tức Phật, đẳng giác trở lên là viên mãn, gọi là cứu cánh viên mãn.
Điều này trong kinh Hoa Nghiêm chúng ta học được rất nhiều, 41 tầng lớp ở đây đều là minh tâm kiến tánh, đều là không khởi tâm, không động niệm, không phân biệt, không chấp trước, cho nên là chân bình đẳng. Trong chân bình đẳng vì sao vẫn còn có 41 cấp bậc vậy? Tập khí vô thỉ vô minh, mang theo nhiều ít không đồng nhau. Vừa mới chứng được Sơ trụ của Viên Giáo, không khởi tâm, không động niệm, nhưng mà tập khí không khởi tâm, không động niệm vẫn còn. Tập khí đó không sao cả, không giống như phân biệt chấp trước, tập khí phân biệt chấp trước vẫn còn tạo nghiệp, tập khí không khởi tâm không động niệm nó không tạo nghiệp, cho nên nó không chướng ngại, đoạn tận, đoạn sạch những tập khí này, thì đó chính là cứu cánh viên mãn Phật.
Trích Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa, tập 44 – Chủ giảng: Đại Lão Pháp Sư Tịnh Không