Rất nhiều bạn đồng tu đọc đến đoạn này chưa chắc không hoài nghi, trên thế gian làm gì có chuyện tiện nghi như vậy! Cả thân đầy dẫy tội nghiệp, chỉ niệm vài danh hiệu Phật liền có thể không đọa ác đạo sao? Người niệm Phật rất nhiều, nhưng người xưa thường nói “Người vãng sanh được rất ít”, người niệm Phật đọa ác đạo cũng rất nhiều? Ngạn ngữ thường nói “Trước cửa địa ngục có rất nhiều Tăng lữ”. Bạn nói những vị Tăng đó không lẽ cả đời chưa từng niệm Phật sao? Không biết là họ đã niệm bao nhiêu tiếng Phật hiệu rồi, tại sao vẫn còn đọa địa ngục? đó không phải hoàn toàn trái ngược với việc nói ở đây “vĩnh viễn không đọa ác đạo” hay sao?
Mấu chốt quan trọng là ở tại chữ “niệm” [念], miệng niệm thì không được, chẳng dùng được. Bạn coi chữ “niệm” này, chữ này viết theo lối “Hội Ý”, văn tự Trung Hoa rất có trí huệ, bạn hãy coi ý nghĩa của chữ “Niệm” là gì? [Chữ niệm gồm hai chữ] “Kim” [今] và “Tâm” [心] gộp lại. “Kim” nghĩa là hiện nay, hiện nay trong tâm bạn thật sự có Phật, trong miệng niệm Phật, trong tâm không có Phật thì đâu có ích lợi gì? đó là như người xưa thường nói “Hét bể cổ họng cũng luống công”, niệm được nhiều đến bao nhiêu cũng uổng công. Trong tâm bạn phải thật sự có Phật thì sẽ khởi tác dụng, thật sự “Lúc sanh lúc tử đều được lợi ích lớn lao”, chắc chắn không đọa ác đạo, trong tâm bạn thật sự có chứ không phải chỉ có trong miệng. Niệm trong miệng thì đó là nói “vừa lọt vào tai, vĩnh viễn thành hạt giống đạo”, hiện tại không đạt được lợi ích, đáng đọa địa ngục thì vẫn phải đọa địa ngục, chẳng được lợi ích. Nếu trong tâm bạn thật sự có [Phật] thì hiện tại bạn sẽ được lợi ích.
Do đó có thể biết, chữ “Niệm” chẳng phải là miệng niệm, mà là trong tâm bạn thật sự có. đại Thế Chí Bồ Tát dạy chúng ta “Nhớ Phật niệm Phật” cũng cùng ý nghĩa này, “Nhớ” là thường thường nghĩ đến, thường thường tư duy, “Niệm” là như phần đông chúng ta gọi là “mong nhớ”, trong tâm thường thường nhớ nghĩ đến Phật. Nghĩ đến tướng hảo của Phật, nghĩ đến công đức của Phật, cách tồn tâm của Phật, có thể nghĩ tưởng như vậy thì đương nhiên bạn sẽ có thể hết lòng hết dạ học theo đức Phật, có thể học theo một phần, hai phần thì đó là lợi ích lớn lao, sẽ chẳng đọa địa ngục. Sự hành trì của Phật biểu lộ ra ngoài chính là Sáu Ba La Mật, Phật thích bố thí, còn chúng ta thích tham lam, chúng ta niệm Phật là niệm Thí. Nhà Phật có Lục Niệm Pháp, pháp Lục Niệm dạy chúng ta cách giữ tâm niệm, thường giữ tâm bố thí. “Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Thiên, niệm Giới, niệm Thí” đó là niệm Phật thật sự. Do đó mọi người muôn vàn xin đừng hiểu lầm niệm Phật là chỉ dùng miệng niệm còn tâm chẳng làm theo, miệng niệm Di đà còn trong tâm vẫn lưu luyến thế giới Ta Bà, vẫn còn tình chấp sâu nặng, như vậy là vô cùng sai lầm!
(Trích: địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Giảng Ký, tập 34 / trang 526)