Thiền sư Thích Thanh Từ, Thiền Tông

Phật xả tuổi thọ

Ứng dụng, và chuyển hóa 15 điều trong học Phật

Trong Tăng Chi Bộ kinh chép: Một hôm Phật đến thành Tỳ Xá Ly bảo A Nan và đại chúng đến Kapala nghỉ trưa. Phật nói với Ngài A Nan:

Người đủ thần túc có thể kéo dài mạng sống một kiếp hoặc một kiếp còn lại.

Phật lập lại câu ấy ba lần, nhưng Ngài A Nan vẫn làm thinh.

Bấy giờ Phật xả tuổi thọ. Quả đất đều rung động.

Phật nói bài kệ cảm khái như sau:

Mạng sống có hạn hay vô hạn
Đạo sĩ xả bỏ không kéo dài
Nội tâm an lạc trụ Thiền định
Như thoát áo giáp tự ngã mang.

Bình:

Đọc đoạn kinh này, chúng ta có thắc mắc Ngài A Nan không? Vô tình hay cố ý mà khi nghe Phật gợi ý, Ngài có thể “kéo dài tuổi thọ” mà Ngài A Nan không thỉnh Phật trụ thế để lợi lạc cho quần sanh? Thật ra điều này cũng khó hiểu! Đâu phải Ngài A Nan không cảm mến đức Phật (Ngài A Nan là em của Phật, đồng thời làm thị giả cho Phật), hay không thấy sự có mặt của đức Phật là quan trọng? Về điểm này có nhiều chỗ giải thích: Do cơ duyên giáo hóa của Phật ở cõi này đã mãn, khiến cho Ma vương ám ảnh làm Ngài A Nan mất trí sáng suốt nên không kịp thưa thỉnh Phật trụ thế. Khi Phật đã tuyên bố xả tuổi thọ xong, Ngài hẹn ba tháng sau sẽ nhập Niết bàn (có lần Ma vương đến nhắc Phật Niết bàn, Phật lập lại lời hứa đó). Quả nhiên sau ba tháng Phật nhập Niết bàn.

Điều này có đáng cho chúng ta buồn không?

Chúng ta xét thêm về ý bài kệ Phật nói sau khi Ngài tuyên bố xả tuổi thọ:

“Dù mạng sống có thời hạn hay không thời hạn, đối với Đạo sĩ (Phật) không một chút tiếc nuối nên không kéo dài. Tâm Ngài vẫn vui vẻ và an trụ trong thiền định. Sự xả bỏ mạng sống này, như người cởi chiếc áo giáp đã mang, chúng không có gì quan trọng”.

Vậy Phật có tiếc thân không? Ngài không chút hối tiếc, mặc dù Ngài có đủ khả năng kéo dài mạng sống. Tại sao Phật không tiếc thân? Vì sự đến của Ngài là tùy duyên ứng hiện để giáo hóa lợi ích cho chúng sanh. Khi xong việc Ngài hết bổn phận. Việc ra đi của Ngài là lẽ dĩ nhiên chứ đâu có gì hối tiếc. Hơn nữa sự đến và đi của Phật chẳng qua ẩn nơi này hiện nơi khác chứ đâu có mất hẳn. Như vị bác sĩ giỏi, đến bệnh viện này trị lành các bệnh nhân, xong đi đến bệnh viện khác mà thôi. Ông bác sĩ đâu có mất.

Pháp thân Phật không có đến đi sanh diệt, tùy cơ duyên giáo hóa mà hiện có sanh diệt, đến đi nhưng tánh thể vẫn bất động. Đây là lý nhiệm mầu của đức Phật mà thường tình chúng ta không hiểu nổi. Vì thế, có người hỏi: Phật Niết bàn còn hay mất? Phật im lặng không đáp là nghĩa này vậy.

Xét rộng ra, tuy Phật không nói còn hay mất, song qua bài kệ trên đã ngầm ý cho chúng ta thấy:

Câu chót “Như thoát áo giáp tự ngã mang”. Nghĩa là sự nhập Niết bàn của Ngài cũng như người cởi chiếc áo đã mang vậy thôi, chớ có gì là còn hay mất. Do đó Thiền Sư Từ Minh cũng từng nói: “Sanh như đắp chăn Đông, tử như cởi áo Hạ”. Đó là việc sanh tử đối với người đạt đạo, ưng đến liền đến, ưng đi liền đi không gì ngăn ngại.

Còn chúng ta thì sao? Hãy xét kỹ điều này!

Trích sách “Nhặt Lá Bồ Đề”
HT. Thiền Sư Thích Thanh Từ

Được gắn thẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *