“Thỉnh chuyển pháp luân” là một đại sự rất trọng yếu. Pháp luân đại biểu cho thuyết pháp lợi sanh. Luân (bánh xe) là tướng trạng viên mãn, biểu thị hết thảy pháp đức Phật nói đều viên mãn rốt ráo, chẳng mảy may khiếm khuyết gì. Hết thảy pháp đức Phật giảng “chẳng phải có, chẳng phải không, chẳng phải vô chẳng phải hữu”; Luân rất thích hợp tượng trưng cho những nghĩa này. Luân có hình tròn, tròn trặn khép kín, cũng có cái tâm, nhưng cái tâm ấy không thể lấy được.
Hết thảy pháp đức Phật đã nói là Chân Không Diệu Hữu, Diệu Hữu nhưng là Chân Không, Chân Không chính là Diệu Hữu, không – hữu bất nhị. Từ Luân thấy được Không – Hữu bất nhị, Tánh – Tướng nhất như, nên Luân được dùng để tượng trưng cho hết thảy pháp đức Phật đã nói. Nếu Luân bất động thì vô ích, Luân nhất định phải động. Nói cách khác, Phật pháp nhất định phải được hoằng dương, nếu không chúng sanh chẳng được lợi ích. Nhất định phải vì chúng sanh thuyết pháp, thuyết pháp rất giống như xoay bánh xe.
Thỉnh chuyển pháp luân là thỉnh pháp sư đại đức giảng kinh thuyết pháp. Phật tại thế, thỉnh Phật giảng kinh, thuyết pháp, hướng dẫn chúng ta phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui. Không có Phật ở đời thì thỉnh vị pháp sư đại đức hữu tu hữu chứng giảng kinh thuyết pháp cho chúng ta. Các đồng tu trẻ tuổi phải thật sự phát tâm Vô Thượng Bồ Đề, tiếp nối huệ mạng của Phật, bất luận xuất gia hay tại gia đều phải học giảng kinh, phát tâm một đời theo đuổi công tác giáo dục của Phật đà.
Phát tâm giảng kinh là đại sự nghiệp, đại nhân duyên, nhất định sẽ được chư Phật Như Lai gia trì, hộ pháp long thiên bảo hộ. Nếu tự mình đúng theo lời dạy tu hành chân chánh, đem tinh thần thể lực trí huệ của cả một đời cống hiến cho Phật giáo, cho hết thảy chúng sanh, thì sanh mạng một đời này mới không luống uổng, hữu ích khôn sánh. Các đồng tu trẻ tuổi hãy buông bỏ danh văn lợi dưỡng, vứt bỏ ngũ dục lục trần, phát tâm theo đuổi sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh thần thánh, đó là sự nghiệp vĩ đại khôn sánh vậy.
(Trích lục từ sách Lược Giảng Giáo Nghĩa Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện, chủ giảng: Pháp Sư Tịnh Không.)