Việc cúng giỗ có ảnh hưởng khá lớn đến vong linh người chết. Nếu lợi dụng ngày giỗ kỵ của người quá cố mà làm tiệc linh đình, giết hại sanh vật để thết đãi sẽ tạo thêm tội cho vong linh.
Trong tội sát sanh, kinh Phật có nói, tự mình giết, vì mình mà con vật bị chết, thấy người ta giết mà mình vui mừng, đều có liên quan đến tội này. Chọn những ngày giỗ kỵ mà sát sanh hại vật thì vong linh ấy cũng liên can chịu tội.
Nếu người chết còn bị kẹt vào chỗ nào đó chưa được đầu thai, thì mỗi lần con cháu giết hại sanh vật để cúng tế, thì họ bị thêm tội. Vì nghiệp mà đang chịu trả nghiệp, nay bị con cháu gởi thêm nghiệp nữa, nghiệp sau chồng nghiệp trước, biết chừng nào trả cho xong. Thật tội nghiệp cho họ!
Người chết lúc sanh tiền thích sát sanh hại vật để ăn. Đây là vì tham ăn mà tạo nghiệp ác. Chính vì tội sát sanh hại vật mà họ đang chịu nạn. Khi bị nạn rồi, họ đã biết nguyên nhân tại sao, họ rất ân hận. Nhưng đã quá muộn màng! Họ đang rất tha thiết và âm thầm cầu xin con cháu thương họ mà tìm phương giải nạn cho họ. Nếu con cháu biết được đạo lý này thì nên làm lành làm thiện, những ngày cúng giỗ đều tổ chức niệm Phật tụng kinh, phóng sanh lợi vật để hồi hướng công đức. Ơn nghĩa này đối với họ lớn lao và quý hóa biết chừng nào!
Nếu họ đã đầu thai rồi, mà con cháu vẫn cứ giết hại chúng sanh để hồi hướng cho họ thì họ vẫn bị ảnh hưởng chứ làm sao tránh khỏi.
Ví dụ, như một người chết đầu thai làm chó chẳng hạn. Đây là vì ngu muội mà sanh vào loài súc sanh.
Con chó vì thương con cháu trong gia đình nên sẽ trở lại trong nhà để phục vụ cho con cháu. Nếu người thân nhân biết làm thiện làm lành hồi hướng cho người đó, cầu cho họ dù đang ở trong cảnh giới nào, cũng nương theo công đức này, sớm tỉnh ngộ tu hành, niệm Phật, cầu sanh Tịnh độ. Nhờ lòng thành mà được cảm ứng, thì con chó đó có thể được hoá kiếp, hay siêu thoát.
Chứ con cháu không chịu làm thiện lành, mà còn sát hại sanh vật đem cúng cho tấm hình đời trước của nó, rồi liệng xương cho nó ăn nữa. Trớ trêu không? Thậm chí, nhân ngày giỗ của chính nó trong đời trước, con cái lại bắt con chó đó làm thịt để nhậu nhẹt. Hãy nghĩ thử, oán nạn này sẽ dẫn tới đâu? Thân nhân đã biến thành oan gia trái chủ, tình thương đã biến thành hận thù, hận thù đời đời kiếp kiếp biết bao giờ mới giải tỏa đây?!…
Vấn đề giỗ chay, đãi mặn thì chẳng khác gì. Vì thật sự, tiếng là giổ chay, chứ vài đĩa xào để trên bàn thờ, so với tràn ngập thịt cá trong bàn tiệc, thì mấy món xào trên bàn thờ chỉ là hình thức giả tạm, làm sao che lấp được rượu thịt ê hề, say sưa túy lúy? Hình thức trống rổng, tâm ý giả tạo, có cảm thông được gì! Bắt người ta cắt cổ mổ ruột để nhậu trong ngày giỗ mà gọi là giỗ chay. Thật là trớ trêu, ngang ngạnh!
Càng giả tạo càng làm cho các oan hồn của những chúng sanh bị giết hại càng thêm hung hãn, càng thêm căm thù. Thù chất thêm thù. Oán thù càng ngày càng khốc liệt!
Trong KNNP, Diệu Âm cho đây là hành động trả hiếu quá kỳ quái của người thế gian!
Ông bà đã vụng tu bị quả báo quá đau khổ, vì sát sanh hại vật nên họ chịu đủ mọi cực hình đau khổ trong tam đồ ác đạo để trả nghiệp, con cháu không tìm cách gỡ nạn cho ông bà, mà cứ chờ đến những ngày giỗ kỵ đem máu thịt nhét vào mồm của ông bà để ông bà bị kết thêm tội sát sanh mới. Làm như vậy có khác gì, ông bà bị nạn, đang tìm cách ngoi lên thoát nạn, vừa mới ngóc lên một chút thì bị con cháu nện lên đầu một đạp cho chìm xuống lại trong cảnh đọa lạc. Trả hiếu gì mà kỳ vậy!?…
Vậy thì, người biết tu hành, thì những ngày giỗ kỵ ông bà nên làm trai chay thanh tịnh mới tốt. Tụng kinh niệm Phật hồi hướng công đức cho vong linh, cầu xin vong linh sớm siêu sanh Tịnh độ. Nên giảm chế các hình thức ăn nhậu say sưa, tuyệt đối đừng sát hại sanh vật. Đừng nên lợi dụng ngày chết của ông bà, cha mẹ, mà giết hại sanh vật làm đám tiệc linh đình để trả ơn nghĩa thế gian. Nếu sơ ý, vừa tội nghiệp cho ông bà, vừa kết thêm nghiệp chướng cho chính mình. Nhân quả này không dễ gì trả được đâu.
Nhân ngày giỗ kỵ này, con cháu nên ăn chay, phóng sanh, làm các việc thiện lành để hồi hướng công đức, cầu cho vong linh được tiêu nghiệp tăng phước. Chỉ cần nhang đèn, hoa quả với vài món tinh khiết để tỏ lòng thành kính. Nếu nhà nghèo quá, thì chén nước lạnh tinh khiết với hoa quả, một nén hương là đủ để thiết lễ tưởng niệm rồi. Cần chi đến hình thức linh đình mà bị khó khăn.
Mời đồng tu đến tụng kinh, niệm Phật, hồi hướng công đức là tốt nhất, tiện nhất, đúng pháp nhất. Nên thành tâm khai thị, khẩn cầu vong linh sớm hồi đầu quy y Tam bảo, niệm Phật cầu sanh Cực lạc thì càng hay, càng chánh pháp.
Ngày giỗ kỵ mà làm được các điều thiện lành này thì được nhiều chư thiện thần ủng hộ, gia trì. Nếu cứ sát sanh hại vật, làm việc sai với đạo pháp thì các vị thiện thần sẽ lánh xa, đây là điều không tốt cho gia đình trong tương lai vậy.
(Cư sĩ Diệu Âm Minh Trị – Úc Châu trong Khuyên Người Niệm Phật)