Mấu chốt trong việc tu học pháp môn là đoạn phiền não và trau dồi đức hạnh – mới có thể độ mình và độ tha!
Pháp môn tu học kiến lập trên nền tảng của đức hạnh, nếu pháp môn vô lượng thệ nguyện học không có đức hạnh ở trước, thì sau khi pháp môn thành tựu, rất dễ lạc vào danh văn lợi dưỡng, đến cuối cùng tự mình chẳng những không thể độ người khác, mà còn sợ bị đọa lạc.
Nền móng đạo đức quả thật rất quan trọng !
Đối với hàng sơ học, chúng tôi cũng nói: thâm nhập một môn, huân tu lâu dài, không phải cũng đang học pháp môn sao?
Đúng! Học pháp môn này trên thực tế là đặt nền móng, vì một pháp môn dễ được định, định có thể khai trí tuệ. Nên không phải như thông thường chúng ta nói: ”quảng học đa văn”, không phải vậy !
Thâm nhập một môn là thành tựu đức hạnh của quý vị, thành tựu định tuệ của quý vị. Định vị hiện tiền mới có thể quảng học đa văn. Quảng học đa văn không phí sức lực, vì quý vị đã đạt được căn bản trí.
Nhất môn thâm nhập trường thời huân tu là căn bản trí, căn bản trí chính là tâm tịch tịnh, chính là thanh tịnh bình đẳng giác, đó là căn bản trí. Nó khởi tác dụng là khai trí tuệ, nên chúng ta cần phải làm theo thứ tự này, không thể làm đảo ngược.
Người học Phật hiện nay thành tựu không giống như cổ nhân, nguyên nhân là gì ? Điên đảo, vì sao vậy ?
Vì họ không cần đoạn phiền não, họ chỉ nói học pháp môn, thành Phật đạo, độ chúng sanh. Sau cùng chúng sanh cũng không độ được, mà tự mình cũng đọa lạc.
Từ đó cho thấy, đoạn phiền não là mấu chốt trong việc tu học Phật pháp, then chốt thành công hay thất bại. Thành công hay thất bại của tự hành, thành công hay thất bại của việc độ tha.
Then chốt đều là ở chỗ đoạn phiền não, nhưng người hiện nay lại vứt bỏ vấn đề then chốt nhất này !
H.T. Tịnh Không!