Thư hôm mồng Bảy cho đến chiều ngày hôm qua là Mười Sáu mới nhận được, do ở nơi có chiến tranh, giao thông bị gián đoạn mà ra. Pháp danh của mười tám người xin quy y được viết riêng trong tờ giấy khác, mong hãy chia ra gởi đi. Hãy nên bảo bọn họ ai ấy giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành, ăn chay, niệm Phật, cầu sanh Tây Phương. Chớ nên cầu phước báo nhân thiên, phàm phu có phước ắt tạo sát nghiệp! Đã tạo sát nghiệp, khó tránh khỏi sát báo (quả báo do giết hại), huống chi kẻ có phước chẳng phải chỉ tạo sát nghiệp ư? Do vậy, kẻ cầu phước chính là cầu họa cho cả mình lẫn người! Người học Phật không thể không biết nghĩa này!
Ông Lý Đức Minh xin mọi người niệm Quán Âm, mỗi người niệm mười vạn câu, phóng sanh một trăm vạn sanh mạng để mong tiêu diệt sát kiếp. Đây cũng là công đức không gì lớn hơn. Nhưng hãy nên thường niệm Quán Âm suốt đời. Phàm những người gia nhập hội ai nấy kiêng giết, ăn chay thì mới là biện pháp triệt để. Nếu không, bữa nay bỏ tiền ra mua một số con vật đem thả, nhưng hằng ngày lại mua sanh vật về tự giết, hoặc là mua từ chỗ người ta giết đem bán thì vẫn là một bữa nóng, trăm bữa lạnh, làm sao có thể tiêu trừ sát nghiệp đời trước đời này của mình lẫn người cho được? Phóng sanh là cách để đề xướng kiêng giết, ăn chay; nếu chẳng chú trọng kiêng giết, ăn chay thì số được thả có hạn, số bị giết vô cùng!
Ngày Hai Mươi Tám tháng Sáu, Quang gởi thơ cho các tờ báo, tạp chí tại Thượng Hải cậy đăng quảng cáo Khuyên Khắp Đồng Bào Toàn Cầu Cùng Niệm Thánh Hiệu Quán Âm, mỗi tờ đăng mười ngày. Bản sao quảng cáo ấy gởi kèm theo thư này, do chiến sự ngăn trở chẳng biết ông đã thấy trên báo rồi hay chưa? Lại bảo Tào Hà Kính in năm mươi vạn tờ truyền đơn rộng bảy tấc, phát cho những cơ quan Phật học các tỉnh, chiến sự đã nổ ra, cũng khó thực hiện được ngay! Bài văn ấy chẳng chỉ dùng riêng trong thời chiến mà trong hết thảy mọi lúc đều dùng được! Ông nói đến chuyện nêu rõ sự bắt nguồn của chiến sự và đạo trọng yếu để tiêu diệt chiến sự thì Châu An Sĩ nói: “Nhân nhân tri nhân quả, đại trị chi đạo dã. Nhân nhân bất tri nhân quả, đại loạn chi đạo dã” (Người người biết nhân quả là đạo để đạt thái bình lớn lao. Người người chẳng biết nhân quả là đường lối đại loạn vậy). Bởi lẽ, biết nhân quả sẽ xử sự thuận theo thiên lý, ăn nói thuận theo lòng người, do đâu mà có chuyện chiến tranh cho được?
(Trích: Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển thượng, thư trả lời cư sĩ Chiến Đức Khắc)