Ấn Quang Đại Sư, Lời dạy của đức phật

Đích thân nếm mùi vị thống khổ vì bị giết chóc – Thư thứ hai Đại Sư Ấn Quang trả lời cư sĩ Tịnh Thiện

Ấn Quang đại sư

Mỗi người nhập đạo đều có thời tiết, nhân duyên. Những sách thuộc loại khuyên răn kiêng giết, phóng sanh thường chép truyện ông Triệu X… là huyện lệnh xứ Bồ Thành, Phước Kiến, ăn chay trường thờ Phật. Bà vợ trọn chẳng có lòng tin, nhằm dịp sanh nhật năm mươi tuổi bèn mua rất nhiều con vật còn sống, tính giết để đãi khách.

Ông Triệu bảo:

– Bà muốn chúc thọ nhưng lại khiến cho những con vật này đều bị chết, có yên lòng được chăng?

Bà vợ đáp:

– Ông toàn nói những câu vô ích. Nếu nghe theo lời Phật dạy, nam nữ cũng không được ngủ chung, những con vật này cũng không giết thì chưa đầy mấy chục năm, trọn khắp Thế Giới sẽ đều là Súc Sanh hết.

Ông Triệu không biết làm sao, đành để mặc bà ta. Đến đêm, bà vợ mộng thấy đi xuống bếp, trông thấy người ta giết lợn, tự mình đã biến thành con lợn.

Đầu bếp trói chặt bốn vó con lợn, đặt lên bàn mổ để giết, đầy tớ đứng bên cạnh xem, bà ta vội kêu họ cứu nhưng chẳng một ai nghe tiếng. Giết rồi mổ bụng, móc ruột ra, vẫn cảm thấy đau đớn.

Giết xong con lợn lại giết những con vật khác thì chính mình lại biến thành những con vật khác, đau đớn không thể nào nói nổi. Tạm ngưng một khắc, lại thấy một đứa đầy tớ cầm một con cá chép vào.

Nha đầu nói:

– Đem con cá chép này giao cho đầu bếp nấu canh cá cho bà chủ, để khi bà chủ thức dậy sẽ dùng làm món điểm tâm.

Họ liền chặt đầu đuôi, lóc vảy, chặt thành từng miếng nhỏ.

Mỗi một miếng đều cảm thấy đau đớn, thống khổ cùng cực, choàng tỉnh dậy, kinh hồn vỡ mật. Ngay lúc đó, nha đầu bưng canh cá lên mời ăn điểm tâm, chẳng nỡ lòng ăn nữa, sai đem những con vật đã mua phóng sanh hết.

Do đích thân nếm mùi vị thống khổ vì bị giết chóc, bèn theo chồng ăn chay Niệm Phật, cầu sanh Tây Phương. Vợ ông chắc cũng được oai thần Tam Bảo gia bị, cũng đích thân nếm mùi vị ấy rồi cõi lòng mới xoay chuyển.

Lời đồn Lộc Uyển là nơi Ngô Vương nuôi hươu chưa đủ để làm căn cứ. Sợ rằng xưa kia có Lộc Uyển Tự, do lâu năm nên đã mất dấu. Nhà Nho bèn đem ý nghĩa tên vườn Linh Hữu của Văn Vương ghép vào.

Còn trong danh xưng Lộc Uyển Liên Xã thì Lộc Uyển Mrgadāva là nơi Đức Phật Thuyết Pháp khi mới thành đạo. Liên Xã chính là pháp để người tu hành lúc lâm chung được Vãng Sanh Tây Phương. Như vậy thì danh xưng Lộc Uyển Liên Xã đã nêu bật ý nghĩa bao gồm hết thảy những nghĩa từ đầu đến cuối trong Giáo Pháp của suốt cả một đời Đức Phật.

Hiện thời chiến tranh liên miên, tai họa kết lại, há nên khởi công xây dựng lớn lao?

Xây dựng chính là chuốc lấy họa bị bọn thổ phỉ cướp đoạt, là nền tảng chuốc lấy cái họa bị phi cơ oanh tạc. Xây dựng càng đẹp đẽ, tai họa càng lớn. Nếu thật sự Hoằng Pháp lợi sanh thì dù trong Gia Đình hay nơi đất trống đều là chỗ để diễn thuyết lợi ích của Pháp Môn Tịnh Độ. Tu trì có chia ra mấy chỗ cũng đâu có trở ngại gì, vừa chẳng tốn tiền, tốn sức mà cũng chẳng bỏ lỡ công việc, cũng giống như đi ra chợ mua gom các thứ đem về nhà dùng.

Mở mang một Đạo Tràng Hoằng Pháp lớn lao thì phải đợi sau này nhằm lúc tình thế hòa bình mới có thể làm được. Hiện thời, các tỉnh bị hạn hán dữ dội, sắp xảy ra thảm trạng con người ăn thịt lẫn nhau.

Một mai vỡ đê thì sẽ dùng cách nào để kiềm chế?

Tri kiến của Quang trọn chẳng giống với người khác. Y theo cách người ta làm trong hiện thời chắc sẽ có lợi ích nhỏ nhoi, nhưng sẽ chuốc lấy họa lớn. Làm theo cách của Quang, tuy không nổi tiếng, chói ngời lớn lao được, nhưng trọn chẳng phát sanh hiểm họa nhỏ nhặt nào.

Ông yêu cầu Quang soạn bài tựa duyên khởi thì đã có bài tựa cho Triều Dương Phật Giáo Cư Sĩ Lâm do Bàng Đức Siêu đã khắc để làm gốc, chỉ cần sửa đổi đôi chút địa danh và tên người cũng như những đặc điểm đặc biệt mà thôi.

Chuyện này không cần Quang phải đích thân soạn. Người thông văn lý đợi đến khi xây dựng xong xuôi sẽ châm chước mà sử dụng bài tựa duyên khởi ấy. Hiện thời do không nhắc đến chuyện xây cất thì cũng không cần phải soạn văn sẵn.

Các vị Thiện Đạo, Thiếu Khang Hoằng Dương Tịnh Tông, tiếng Phật Hiệu vang khắp ngõ hẻm đường phố. Như xướng khúc hát gieo mạ, ai nấy đều muốn nghe. Như truyền Thánh chỉ của Nhà Vua, ai nấy đều tuân hành.

Ai bảo là không có Chùa Miếu sẽ chẳng thể Hoằng Pháp được?

Cần biết rằng:

– Hễ có Chân Tâm thì sẽ tự khuyến hóa được. Lấy thân làm gương để mong ai nấy trọn hết bổn phận, lấy Cổ Nhân làm khuôn phép, ngõ hầu nhà nhà đều trở thành Đạo Tràng. Đang trong cõi đời đại loạn này, tốt nhất là nên Hoằng Pháp một cách không dấu vết. So với những kẻ xây dựng lớn lao, tốn sức, bó tay, nhọc lòng gánh vác nỗi lo thì sẽ khác biệt lớn lao vời vợi.

***

(Trích: Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên, quyển 3, thư thứ hai trả lời cư sĩ Tịnh Thiện.)

Được gắn thẻ ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *