Trong “Kinh Pháp thí dụ” quyển 3 có ghi chép câu chuyện về một người đàn ông bị khinh miệt đã thay đổi cuộc đời sau khi nghe được lời chỉ dẫn của Phật Đà.
Ở Ấn Độ cổ đại, có một chàng trai con một được cha mẹ hết mực cưng chiều. Cha mẹ hy vọng anh lớn lên có thành tựu nên dốc sức nuôi dưỡng, mời thầy tốt bạn hiền đến giúp anh trau dồi kinh sử. Tuy nhiên cậu bé này rất kiêu ngạo và nổi loạn, không lo học hành; sáng học được bao nhiêu thì tối đã quên hết, cũng không nỗ lực. Mấy năm qua đi, cậu con trai duy nhất này vẫn chưa học được chút kiến thức nào. Cha mẹ thấy cậu khó mà thành tài nên đành cho cậu ta ở nhà, quản lý công việc kinh doanh gia đình.
Chàng trai học hành không thành, tính cách lại kiêu ngạo, khó chịu. Bởi vậy quản lý kinh doanh cũng không thuận lợi, gặp trắc trở liên tục. Mặc dù vậy, anh ta vẫn “chuyện ta ta làm”, buông thả bản thân không chút kiêng nể. Kinh doanh phá sản, anh ta tùy ý đem gia sản bán lấy tiền tiêu pha phung phí.
Anh ta bình thường đầu tóc mặt mũi bẩn thỉu, hay đi chân đất, cả quần áo cũng lười giặt, tính tình keo kiệt, tham lam lại không biết xấu hổ. Bởi vậy mọi người xung quanh đều chán ghét, khinh miệt, nhìn anh ta đi ra đi vào cũng chẳng ai buồn tiếp chuyện.
Chàng trai cảm thấy chán nản, rơi vào tình cảnh khốn quẫn nhưng lại không nhận ra, đây cũng bởi những hành vi không thích đáng của bản thân khiến người ta chán ghét. Anh ta không tự soi xét lại nội tâm chính mình mà oán trách đổ lỗi cho người khác. Trong lòng anh đầy oán giận, oán giận cha mẹ, trách thầy trách bạn, thậm chí than phiền tổ tiên không anh linh, không phù hộ khiến anh phải chịu uất ức như vậy.
Một ngày nọ, bỗng nhiên một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu khiến anh thay đổi cuộc đời. Anh nghĩ nếu tổ tiên đều không che chở, vậy chi bằng đi bái Phật, có lẽ sẽ được một ít phúc phận. Mặc dù tâm anh ta không thanh tịnh nhưng vẫn xuất tâm lễ bái Thần Phật, cầu xin đức Phật ban cho ít ân huệ.
Sau đó, anh ta thực sự đã nhận được chỉ dẫn của Đức Phật. Ngài nói: “Muốn đạt nguyện vọng của con, phải nỗ lực tu hành thanh tịnh. Bây giờ con bị vùi lấp trong hồng trần dơ bẩn, cho dù con muốn tới chỗ Ta học cuối cùng cũng là vô ích. Chi bằng hãy về nhà hầu hạ cha mẹ, tụng đọc tri thức thầy dạy, siêng năng làm ăn gia đạo, khiến gia đình đầy đủ sung túc an vui, không ưu sầu. Đồng thời cũng phải làm cho lời nói, dáng vẻ của mình phù hợp với lễ nghi, chuyên tâm làm việc, nỗ lực tu tâm hướng Thiện nhất định sẽ được mọi người ngưỡng mộ khâm phục. Hãy đi làm như vậy, mới có thể vào được Phật môn”. Dứt lời, Phật Đà lại đọc một bài kệ (bài thơ của Phật) cho anh.
Sau khi nghe được những lời này, anh ta trong tâm có chút tỉnh ngộ, nhận ra tác hại mà thói ngang ngược và sự vô minh gây ra cho mình. Anh ta theo lời dạy của Phật Đà, vui vẻ trở về nhà. Từ sau đó, anh dần thay đổi những thói quen của mình, học cách hiếu với cha mẹ, tôn kính sư trưởng, học tập kinh điển, cần cù làm việc. Hơn nữa chàng trai chủ động ước chế bản thân, những việc không hợp với Đạo, anh nhất quyết không làm. Người trong nhà và dân làng thấy sự thay đổi to lớn của anh thì ngợi khen không dứt. Tiếng thơm của vị con trai độc nhất cũng dần dần được lan rộng khắp nước, mọi người cũng gọi anh là “bậc hiền đức”.
Chỉ mất 3 năm, anh ta đã thay đổi từ một kẻ xấu bị chán ghét, miệt thị thành hiền nhân đức độ được mọi người ca tụng. Điều đó không phải do “cầu” mà có được, trong đó bao gồm nỗ lực hành thiện, không ngừng tu sửa khiến bản thân tốt đẹp hơn. Con người ai cũng có Phật tính, nếu có thể đánh thức phần thuần chân, lương thiện của bản thân, chân tâm hướng Thần Phật thì dù đang trong đường cùng cũng có thể được Thần khai ân, mở ra một lối thoát trong đường hầm tối tăm.
Theo Tống Bảo Lam/ Epochtimes
Ngọc Mai (biên dịch)