Vô Phiền thiên, Vô Nhiệt thiên, Thiện Kiến thiên, Thiện Hiện thiên, Sắc Cứu Cánh thiên. (Trời Vô Phiền, trời Vô Nhiệt, trời Thiện Kiến, trời Thiện Hiện, trời Sắc Cứu Cánh.)
Thông thường cũng xưng là Ngũ Bất Hoàn thiên, ai trụ ở đó? Tiểu thừa Tam quả, cũng gọi là Tịnh Cư thiên, thế nên Tứ thiền là Phàm thánh đồng cư độ. Trời của phàm phu là trời Phước Sanh, Phước Ái, Quảng Quả và Vô Tưởng, thiên nhân ở bốn cõi trời này không nhìn thấy thiên nhân ở trời Tịnh Cư, không nhìn thấy, biết là họ ở nơi đó tu hành nhưng không nhìn thấy họ. Giống như chúng ta ở thế gian này, địa cầu của chúng ta cũng là Phàm thánh đồng cư độ, có Phật, Bồ Tát, A-la-hán trụ ở nơi này, người thường chúng ta không nhìn thấy. Quý vị tụng Từ Bi Tam Muội Thủy Sám, trong ấy nói đạo tràng của Tôn giả Ca Nặc Ca ở Tứ Xuyên, người thường đến đó thì thấy toàn là núi hoang vu, chẳng nhìn thấy gì hết, lúc Quốc sư Ngộ Đạt đến đó nhìn thấy đạo tràng trang nghiêm. Phải có duyên mới nhìn thấy được, không có duyên thì không nhìn thấy được cõi Phàm thánh đồng cư độ. Trong kinh điển nói cho chúng ta biết Tôn giả Ca Diếp vẫn chưa nhập Niết-bàn, còn ở núi Kê Túc, Ngài cũng thường ra ngoài, lúc ra thì chúng ta cũng không nhận ra Ngài, Ngài biết biến hóa. Ngài phải đợi Phật Di Lặc ra đời, truyền y bát của đức Phật Thích Ca Mâu Ni cho Phật Di Lặc. Phật Di Lặc xuất thế, trong kinh nói sau 560 triệu năm, Tôn giả Ca Diếp phải đợi thời gian dài như vậy. Tâm người được thanh tịnh, thọ mạng là tự tại, muốn trụ bao lâu thì trụ bấy lâu, không chướng ngại.
Thế nên tôi khuyên mọi người phải phát nguyện, nguyện lực phải vượt qua nghiệp lực thì bạn mới chuyển được, mới được tự tại. Nếu bạn không chịu phát nguyện, đời này bạn nhất định sẽ chịu vận mạng chi phối, bạn sẽ không thoát ra khỏi vận mạng. Nhất định phải phát đại nguyện xả mình vì người, thì bạn mới có thể được tự tại, đời sống tự tại, thọ mạng tự tại, trụ thế tự tại, giáo hóa tự tại, hết thảy sự nghiệp không có gì là không tự tại, nguyện lực không thể nghĩ bàn! Tại vì sao không chịu phát nguyện? Đời Đường, Đại sư Pháp Chiếu, tổ sư đời thứ tư của Tịnh độ tông chúng ta, Ngài nhìn thấy “Đại Thánh Trúc Lâm Tự” của Văn Thù Bồ Tát trên núi Ngũ Đài, đây là người có duyên. Ngài nhìn thấy Văn Thù, Phổ Hiền, nhìn thấy pháp hội hơn một vạn người tụ hội, Văn Thù Bồ Tát đang giảng kinh thuyết pháp, Ngài ở đó nghe một buổi, còn hướng về Văn Thù Bồ Tát thỉnh giáo: Phật pháp đã đi đến đời Mạt pháp, căn tánh người đời Mạt pháp khá chậm lụt. Ngài hướng về Văn Thù Bồ Tát khải thỉnh nên tu pháp môn gì dễ thành tựu? Văn Thù Bồ Tát dạy Ngài tu pháp môn Niệm Phật cầu sanh Tịnh độ. Pháp Chiếu vốn là tham thiền, nghe xong lời dạy của Văn Thù Bồ Tát, phát nguyện chuyên tâm niệm Phật. Ngài còn thỉnh giáo cách niệm Phật như thế nào? Văn Thù Bồ Tát truyền dạy phương pháp niệm Phật cho Ngài. Sau đó Ngài rời khỏi Ngũ Đài Sơn, trên đường về đi đến đâu Ngài cũng đều làm dấu hiệu, sợ quên đường, muốn trở lại lần sau. Kết quả là làm dấu được vài chỗ rồi quay trở lại, chùa không còn nữa, chỉ còn một cảnh núi hoang vu, thế mới biết không thể nghĩ bàn, đạo tràng đã biến mất. Phàm thánh đồng cư độ, phàm phu không nhìn thấy, không có duyên phần ấy thì không nhìn thấy cảnh giới của thánh nhân.
Thế giới Ta-bà này của chúng ta trong kinh nói có ba chỗ Phàm thánh đồng cư độ: một là thế gian này của chúng ta, thứ hai là trời Đâu Suất, thuộc tầng trời thứ tư của Dục giới, Đâu Suất nội viện là đạo tràng của Di Lặc Bồ Tát, người trời ngoại viện không nhìn thấy, chỉ nghe nói chứ không biết ở đâu. Thứ ba là người trời Tịnh Cư ở cõi Tứ thiền, chính là Ngũ Bất Hoàn thiên, ba chỗ này là Phàm thánh đồng cư độ. Họ ở chỗ này tu hành, đều là thánh nhân Tam quả, tại sao gọi là Bất Hoàn? Không còn đến Dục giới nữa, họ sẽ thành tựu ở chỗ đó. Trong kinh nói người lợi căn thì họ sẽ ở Ngũ Bất Hoàn thiên, trực tiếp ở đấy chứng quả A-la-hán, siêu việt Tam giới, thoát khỏi sáu nẻo luân hồi, đây là A-la-hán lợi căn. Nếu như kém hơn, họ còn phải thông qua Tứ Không thiên mới có thể xuất Tam giới; người lợi căn không cần thông qua Tứ Không thiên, trực tiếp chứng quả A-la-hán, liền xuất Tam giới, đây là người trời Tịnh Cư. Chúng ta không cần phải giới thiệu thêm về Ngũ Bất Hoàn thiên. Trong tam giới Kiến Tư phiền não gọi là Kiến Tư Hoặc, tam giới tám mươi mốt phẩm; Tam giới chia thành chín bậc, mỗi bậc có chín phẩm, chín nhân chín thành tám mươi mốt phẩm Tư Hoặc, đến Ngũ Bất Hoàn thiên mới có thể đoạn hết, đoạn hết rồi mới chứng quả A-la-hán.
Năm xưa đức Phật Thích Ca Mâu Ni xuất hiện ở thế gian, thị hiện thành Phật dưới cội Bồ-đề, sau khi thành Phật là giáo hóa chúng sanh. Giáo hóa chúng sanh cần có người khải thỉnh, nếu không ai mời thì Phật không thể dạy. Người thế gian ai biết được đức Phật, ai biết được đây là một người có đại trí tuệ, đại đạo sư trời và người, ai biết được? Người thế gian không có người khải thỉnh, trước tình hình như vậy thì Phật phải nhập Niết-bàn, phải thị hiện diệt độ. Người trời Tịnh Cư đã nhìn thấy, họ thấy đức Phật Thích Ca thị hiện nên vội vàng xuống thỉnh cầu, người trời Tịnh Cư thỉnh cầu thay chúng ta, vì thế đức Phật mới trụ thế tám mươi năm, vì chúng ta giảng kinh thuyết pháp hơn ba trăm hội, chúng ta phải cảm kích người trời Tịnh Cư. Nếu họ không thỉnh pháp, vậy thì thế gian này của chúng ta làm gì có Phật pháp để nghe. Cho nên họ cũng rất từ bi, thương xót hết thảy chúng sanh khổ nạn, khuyến thỉnh Như Lai thuyết pháp.
(Trích: Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện, tập 05)