Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Một bộ Kinh là đủ rồi, một bộ thông thì hết thảy Kinh đều thông. Chưa thông suốt được bộ nào đừng nên học bộ thứ hai

A Di Đà Phật
Tôi hai mươi sáu tuổi học Phật, xem ra vận khí cũng không tệ. Mùa xuân thì tiên sinh Phương Đông Mỹ giảng cho tôi về triết học kinh Phật, hình như là đến mùa thu tôi quen biết được Đại Sư Chương Gia. Trong cùng một năm, một người là vào mùa xuân, một người là vào mùa thu. Quen biết với Đại Sư Chương Gia, ngày đầu tiên chúng tôi gặp mặt, vấn đề đầu tiên tôi thỉnh giáo với Chương Gia Đại Sư, tôi nói: “Lão sư Phương nói với con, phật giáo là triết học cao nhất trên thế giới, triết học là trí huệ”, tôi nói, “trong Phật môn liệu có phương pháp nào để con rất nhanh có thể đạt đến cảnh giới ấy hay không?”. Tôi đưa ra vấn đề như vậy, Đại Sư nhìn tôi, tôi cũng đợi Ngài khai thị. Hai chúng tôi nhìn nhau, nhìn hơn nửa giờ đồng hồ, một câu Ngài cũng không nói, cứ nhìn tôi, tôi cũng nhìn Ngài. Nửa tiếng sau, tính khí bao chao dường như không còn nữa, người định xuống hẳn.
Đại Sư Chương Gia dạy người nhất định là tâm phải định xuống hoàn toàn. Vẫn còn mảy may cái tập khí bao chao Ngài sẽ không nói. Vì thế ở cùng Ngài hai tiếng đồng hồ có thể nói mười câu là rất nhiều rồi, hoàn toàn ở trong định. Vì sao? Như thế bạn mới có thể được thọ dụng. Bạn chân thật nghe lọt tai rồi, cả đời cũng không bao giờ quên. Tâm đang trong lúc bao chao, từ tai này lọt sang tai kia bay đi mất, chẳng ích gì. Không hiểu được ý nghĩa Ngài nói, đây là sự thật. Loại hiện tượng này trong mấy chục năm nay, tôi lãnh hội một cách sâu sắc. Vì thế hiện nay tìm học trò rất khó, học trò tìm lão sư cũng khó. Biết đi đâu để tìm bây giờ? Đến nơi nào để tìm được một người tâm tình an ổn, vĩnh viễn giữ được trong trạng thái điềm tĩnh, họ mới có tư cách học Phật.
Tâm khí bao chao thì vô dụng, Phật có đến giảng cho bạn cũng chẳng ích gì, bạn nghe không hiểu. Bạn nghe được lời Ngài, nhưng mật nghĩa sâu xa trong ấy bạn hoàn toàn không liễu giải được. Vì thế, tôi đợi Đại Sư Chương Gia khai thị, đợi hơn nửa giờ đồng hồ, tập trung tinh thần chờ đợi. Hơn nửa tiếng sau, Đại Sư nói ra một chữ “có”, nghe được “có” tinh thần tôi lập tức bừng tỉnh hẳn lên. Ngài lại không nói gì. Vì sao? Tập khí lại bao chao nữa rồi, không nói nữa. Lại qua thêm bảy, tám phút; lần thứ hai định xuống rồi, Ngài mới nói ra sáu chữ “Nhìn cho thấu, buông cho xuống”. Nói với tôi: từ sơ phát tâm đến khi thành Phật, chính là nhìn thấu giúp bạn buông xả, buông xả giúp bạn nhìn thấu, giống như lên cầu thang vậy.
Nhìn thấu là hiểu được chân tướng sự thật, bạn mới chịu buông xả. Buông xả rồi lại tiếp tục nhìn thấu, nhìn thấu được rồi lại tiếp tục buông xả, cứ như thế từ sơ phát tâm cho đến Vô Thượng Bồ Đề, chính là cách làm này. Đơn giản, dễ dàng như vậy thôi. Vì sao không sớm nói ra mà phải đợi lâu đến như vậy. Đạo lý này rất ít người hiểu được, chưa chân thật buông bỏ được sự xốc nổi, để chân tâm hiện tiền. Dùng chân tâm để lắng nghe, để tiếp nhận thì sự nghe, và sự tiếp nhận ấy mới có lợi ích. Tâm khí bao chao, dù họ có nói những thứ tốt hơn nữa, trong lúc nghe có vẻ rất hoan hỷ, xong bài thì quên sạch hết, chẳng ích gì.
Cho nên học Phật phải học từ đâu? Điều kiện học Phật là phải thật thà, phải nghe lời, phải thật làm. Thật làm mới được thọ dụng. Nếu không thật thà, không nghe lời, thành kiến của bản thân rất sâu dày, không tin những gì kinh Phật nói. Vậy thì khó lắm, cả đời cũng không vào cửa nổi. Người như vậy quá nhiều rồi, chúng tôi gặp rất nhiều. Mấy ai dùng chân tâm chứ? Dùng chân tâm, không phải nói tôi học Phật, nghe kinh thì dùng chân tâm; đối người tiếp vật thì dùng vọng tâm, đó là giả. Dùng chân tâm thì trong đời sống hằng ngày dùng chân tâm. Công việc dùng chân tâm, đối người tiếp vật đều phải dùng chân tâm. Học Phật cũng là dùng chân tâm, bạn mới có thể thâm nhập vào. Còn xen tạp mảy may hư ngụy, bạn sẽ không được vào cửa, không thể nhập vào Phật Pháp, bạn sẽ tạo nghiệp.
Nghiệp có thiện ác; thiện nghiệp thì đi vào ba đường thiện, ác nghiệp thì đi vào ba đường ác. Ác hay thiện đều không thể tạo, thiện nghiệp cũng không được làm. Vì sao? Vì ra không nổi sáu nẻo luân hồi. Vậy phải làm sao? Phải đoạn ác nhưng không chấp cái tướng đoạn ác, trong tâm không có tướng đoạn ác; tu thiện nhưng không dính tướng tu thiện. Tu bằng phương pháp nào là dễ nhất? Tịnh Tông là dễ tu nhất. Tâm chúng ta đã muốn cái gì rồi thì chẳng có gì là quá khó cả. Chỉ bởi nó có vọng tưởng, có tạp niệm, không dừng lại được. Nên phương pháp mà Tịnh Tông sử dụng chính là một câu Phật hiệu. Ý niệm không khởi, dùng câu Phật hiệu. Ý niệm có khởi lên, vẫn là dùng câu Phật hiệu này. Ngoài câu Phật hiệu này ra, ý niệm thiện ác gì thảy đều niệm cho tiêu tan – chỉ còn một niệm này, đó gọi là tịnh niệm. Tịnh niệm tuy không thể giúp bạn minh tâm kiến tánh, nếu muốn minh tâm kiến tánh, ngay đến một ý niệm cũng không có thì mới được. Nhưng Phật hiệu có thể giúp bạn vãng sanh thế giới Cực Lạc, giúp bạn thân cận A Di Đà Phật. Nơi này không dễ tu hành thì ta đổi một nơi khác, đổi đến thế giới Cực Lạc mà tu. Công đức lợi ích chân thật chính ngay chỗ này.
Môi trường nơi thế giới của A Di Đà Phật khiến cho mọi ý niệm của bạn không thể dấy lên. Vì sao? Dẫu trong A lại da của bạn có tập khí, …không sai! Nhưng tập khí không có duyên sẽ không khởi được tác dụng. Thế giới Cực Lạc không có duyên, nơi đó không có lấy một kẻ ác, không có lấy một người mà bạn chán ghét, toàn là người bạn thích, tâm sân hận của bạn không thể khởi được. Thế giới Cực Lạc, tất cả thọ dụng đều theo ý muốn mà được toại nguyện, nghĩ thứ gì liền có thứ ấy, bạn không còn tâm tham nữa. Tại sao thế giới này lại có tâm tham? Do nguồn tài nguyên quá ít, rất không dễ gì cầu được.
Thế giới Cực Lạc, vừa động niệm thì đã có rồi. Vì thế, bạn không có gì để bận tâm cả, không có chỗ cho lòng oán hận, không có chỗ để tham lam. Bạn nói xem, bạn muốn tham vàng, thế giới Cực Lạc vàng trải làm đường. Quý vị có bao giờ nói, có nhà nào đi tham nhựa trải đường rồi chất đống trong nhà không, có hiện tượng đó không? Không có, vì sao? Vì nó quá nhiều. Cái bạn tham là châu báu, châu báu của thế giới Cực Lạc là gì? Là thứ dùng để làm vật liệu xây dựng. Do đó, đến được hoàn cảnh bên đó, tham sân si mạn nghi của bạn đều không thể dấy khởi, dễ dàng tu hành hơn.
Ngày ngày nghe A Di Đà Phật giảng kinh thuyết pháp. A Di Đà Phật làm những gì? Trên Kinh A Di Đà nói rất hay: “Kim hiện tại thuyết pháp”, thuyết pháp không hề gián đoạn. Vì vậy, vãng sanh thế giới Cực Lạc, hoa khai kiến Phật. Thấy được A Di Đà Phật rồi, bạn liền đến giảng đường lớn của Ngài, chỗ ngồi nơi giảng đường lớn có tên của bạn. Vãng sanh cũng vậy, hoa sen cũng có tên mình, như vậy sẽ không bao giờ ngồi sai được. Chúng ta ở nơi đây vừa động niệm, thật lòng cầu vãng sanh, giảng đường liền có tên mình, hoa sen cũng có tên rồi, không nhầm lẫn vào đâu được. Vào giảng đường, bạn xem chúng ta từ một kẻ phàm phu mang theo biết bao nghiệp chướng bên mình, đới nghiệp vãng sanh. Đến lúc nào bạn mới rời khỏi giảng đường? Lúc thành Phật rồi, không thành Phật là không rời khỏi, bước ra khỏi giảng đường nghĩa là bạn đã thành Phật rồi, được tốt nghiệp rồi.
Nhất định bạn cũng thấy rất kỳ lạ. Trên thực tế, bạn không thể biết được sự thù thắng của thế giới Cực Lạc. Người cõi Cực Lạc không cần ăn, ăn uống quá phiền phức, họ không cần đến những thứ này. Thân thể của họ không phải cái nhục thân này, không cần đến các chất dinh dưỡng. Vậy dùng cái gì để bổ sung dinh dưỡng vậy? Dùng tâm thanh tịnh, thanh tịnh chính là chất dinh dưỡng cho cơ thể. Họ không cần ngủ, thế giới Cực Lạc không có ngày đêm, cõi đó là một mảng quang minh không có đêm tối, chỉ có ban ngày, không có ban đêm; toàn thể cõi đó đều phóng quang. Cơ thể con người phóng quang, đến cây cối hoa cỏ cũng phóng quang; điện đài, lầu cát, những thứ này đều phóng quang. Một mảng quang minh, không có bóng đêm. Vì thế họ không cần đến lương thực, không cần phải ngủ. Lúc nào đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh lúc đó liền được tốt nghiệp. Tốt nghiệp rồi thì sẽ rời khỏi giảng đường, ra khỏi giảng đường thì đến nơi nào vậy? Đến mười phương thế giới, tùy duyên giáo hóa chúng sanh. Giáo hóa chúng sanh, đây là nghĩa vụ. Đó là điều chúng ta nên làm.
Họ còn có chỗ rất thù thắng, thù thắng chính là đi lễ Phật. Hết thảy cõi nước của chư Phật ở mười phương, ý niệm của họ vừa nghĩ đến ai liền đến nơi đó. Lễ Phật tu phước, nghe Phật giảng kinh thuyết pháp là tu huệ. Phước huệ song tu, tu phước tu huệ trước giờ chưa hề gián đoạn, đến khi đại triệt đại ngộ, sau cùng là đạt đến cứu cánh giác.
Ích lợi của thế giới Cực Lạc, biết được những ích lợi này, đối với thế gian này liền chẳng còn vương vấn gì. Khi không còn lưu luyến, chân tâm sẽ lưu xuất ra. Vì sao lại có vọng tâm? Vọng tâm là do đối với thế giới này vẫn còn tham luyến, có tham sân si mạn nghi – có cái ý niệm này, ý niệm này từ vô thủy kiếp đến nay đã ăn sâu một cách kiên cố, muốn buông xả nhưng buông không được, bất tri bất giác cứ thế mà tuôn trào ra. Đạo lý là ở chỗ này.
Kinh đại thừa nhiều như vậy, chúng ta thật muốn học, thì nên học cái gì? Một bộ kinh là đủ rồi, một bộ thông thì hết thảy kinh đều thông. Chưa thông suốt được bộ nào đừng nên học bộ thứ hai. Tại sao vậy? Vì như thế e rằng thành ra vừa tạp vừa loạn mất rồi, tâm cũng thành tạp, thành loạn thôi. Đây chính là cánh cửa chướng ngại chúng ta khai ngộ. Vì thế buông xả, nếu thật buông xả chắn chắn sẽ chiếm được lợi thế, không bao giờ bị thiệt. Buông xả tài phú bạn sẽ càng có được nhiều hơn, buông bỏ vọng tưởng bạn sẽ được thông minh trí huệ. Buông bỏ tuổi thọ, bạn sẽ được vô lượng thọ. Ngày ngày đừng nên nghĩ đến những thứ này, chỉ nghĩ một thứ duy nhất là danh hiệu Phật “A Di Đà Phật”. Bạn ngày ngày đều nghĩ đến cái này, không bao giờ bị sai lầm. Cho nên, những thứ được nói trong kinh, câu nào cũng là lời thật. Bộ phận tinh hoa nhất của Kinh Vô Lượng Thọ chính là chương này, một phẩm kinh này, phẩm thứ sáu “Bốn mươi tám nguyện”.
PHÁT ĐẠI THỆ NGUYỆN
PHẨM THỨ 6 KINH VÔ LƯỢNG THỌ
TẬP 2
Chủ giảng : Lão Pháp Sư Tịnh Không
Địa điểm : tại Nhật Bản.
Thời gian : ngày 08 tháng 5 năm 2015
(Tại Nhật Bản, Lão Pháp Sư Tịnh Không giảng phẩm thứ 6 này gồm có 10 tập).
Được gắn thẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *