Câu sau là lời trong Đại Trí Độ Luận, câu này nói rất hay, “phàm phu còn bị trói buộc có tâm đại bi, nguyện sanh đến đời ác trược để cứu khổ chúng sanh, chẳng có chuyện như vậy” , lời này là lời của Phật nói. Phàm phu còn bị trói buộc, chưa đoạn phiền não, bạn vẫn còn Kiến Tư phiền não, nói cách khác bạn vẫn còn thị – phi, nhân – ngã, tham – sân – si – mạn. Trong cảnh giới này tuy có tâm từ bi to lớn, phát nguyện sanh vào đời ác ngũ trược để cứu độ hết thảy chúng sanh đang chịu khổ nạn, được không? Không được, chẳng có chuyện như vậy, chẳng lẽ nào như vậy. Bạn độ chính mình còn không được thì làm sao độ người khác? Chúng tôi đã từng gặp có một số người xuất gia phát tâm, họ chẳng cầu sanh Tịnh Độ, họ phát tâm: “Đời sau tôi còn muốn làm pháp sư, sẽ đến nơi đây để độ chúng sanh”. Chúng ta quán sát kỹ càng vị pháp sư này, tiếng tăm lợi dưỡng còn chưa buông xuống nổi, vẫn còn tranh đoạt quyền lợi, đó chính là như lời Đại Trí Độ Luận đã nói, họ hy vọng đời sau còn sanh đến cõi này làm pháp sư, [nhưng] đời sau họ có thể sanh đến cõi người không? Không chắc lắm. Thật sự đời sau không mất thân người, chúng ta căn cứ vào lời Phật dạy trong kinh điển, tối thiểu ngũ giới thập thiện của bạn phải làm đến tám mươi phần trăm thì đời sau bạn mới có thể được thân người, chẳng đánh mất thân người. Nếu ngũ giới thập thiện của bạn chỉ đạt đến sáu mươi phần trăm thì chẳng đáng tin cậy. Bạn tự suy nghĩ coi, ngũ giới thập thiện của bạn đạt đến tiêu chuẩn tám mươi điểm thì đời sau mới mong được thân người. Nếu ngũ giới thập thiện của bạn đạt đến hơn chín mươi điểm, thì bạn mới nắm chắc không mất thân người. Đây là điều chúng ta nhất định phải hiểu rõ ràng, rành rẽ.
Nếu tự mình không có khả năng này, mình đích thật là một phàm phu đầy dẫy nghiệp chướng sanh tử, thì phải ghi nhớ lời dạy của đại sư, phần chú thích hàng thứ hai, câu cuối cùng nói đến ‘tự buông bỏ những gì mình đã học cả đời, chuyên tìm giáo môn Tịnh Độ, hơn mười năm nay, chưa từng tạm rời bỏ’, đây tức là mong cầu tự độ. Đây là một người học Phật, những gì cả đời học rộng nghe nhiều, đến lúc bấy giờ thật sự giác ngộ, chân chánh hiểu rõ, biết những pháp môn mà bạn đã tu học, đến giờ phút lâm chung đều chẳng dùng được, bạn phải giác ngộ sớm, hãy buông bỏ hết những gì bạn đã học, chuyên tu Tịnh Độ, cầu nguyện vãng sanh. Hôm nay ở Tân Gia Ba có nhân duyên hy hữu, xét về không gian thì cả thế giới chỉ có một chỗ này, xét về thời gian thì cả mấy trăm năm mới có một cơ hội này, xây dựng làng Di Đà, Niệm Phật Đường, cơ hội này vô cùng hy hữu, khó gặp gỡ. Có thể xây dựng đạo tràng này ở đây, bạn phải thật sự giác ngộ, vạn duyên buông xuống, bước vào Niệm Phật Đường này phải thật thà niệm Phật, thì bạn sẽ thành Phật. Niệm Phật Đường ở đây là nơi bảo đảm cho phàm phu thành Phật ngay trong một đời này, nhân duyên hy hữu này chẳng phải là ai trong đời đều có thể gặp được đâu. Chúng ta giảng kinh thuyết pháp là để nói công đức, lợi ích này cho rõ ràng, cho rành rẽ, khuyên mọi người buông bỏ lục đạo, buông bỏ thập pháp giới để đi làm Phật, mục đích của sự giảng kinh, thuyết pháp là như vậy, là khuyên người làm Phật.
Trích Giảng Ký Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện -Tập 34 – Hòa Thượng Tịnh Không chủ giảng.