Ông vốn là Hồi giáo, tín phụng Phật pháp, quy y Tam Bảo, đáng gọi là “bậc hào kiệt”. Nhưng phải gắng sức giữ vẹn luân thường, nghiêm túc trọn hết bổn phận của chính mình, đừng làm các điều ác, vâng làm các điều lành, tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tây Phương. Dùng những điều này để tự hành, lại còn dùng những điều ấy để dạy người, chắc chắn sẽ tự có thể thoát khỏi đời ác Ngũ Trược này, sanh sang cõi sen thanh tịnh kia, chẳng đến nỗi trên phụ ân Phật, dưới phụ tánh linh của chính mình.
Nay đặt pháp danh cho ông là Tông Đạo, vợ ông là Tông Đức, Văn Khánh có pháp danh là Huệ Sướng, Văn Dũ có pháp danh là Huệ Phong, Văn Trí có pháp danh là Huệ Thuần, Văn Hinh pháp danh là Huệ Phức để bọn họ đều cùng ăn chay niệm Phật. Nếu chẳng thể ăn chay thuần thì đừng mặc sức ăn [mặn]. Một là gìn giữ tâm Từ, hai là bảo vệ thân thể. Tôn giáo của ông ăn thịt trâu bò, hãy nên kiêng tránh, bởi trâu bò có công đối với con người, ăn vào sẽ càng thêm tội lỗi.
Người Hồ Nam ăn cơm [có thói quen] không ăn hết, phong tục ấy thật tệ. Đối với người dân, thức ăn trọng như trời, sao dám phung phí? Hãy nên nói với con cái và tôi tớ về nguyên do này, dẫu một hạt hay nửa hạt cũng không nên phí! Nếu con người quăng vứt ngũ cốc, chắc chắn đời sau sẽ không có cơm ăn, cũng có kẻ bị quả báo chết đói ngay trong đời này! Nếu con người giẫm đạp giấy viết chữ, chắc chắn đời sau sẽ không mắt, ngu si, vô tri.
Hãy nên dạy con cái v.v… cùng đọc Âm Chất Văn, Cảm Ứng Thiên, giảng nói cho bọn họ hiểu để họ biết tới đạo làm người và lý nhân quả ba đời, tương lai sẽ chẳng đến nỗi trở thành phường bạo ác. Kẻ giết cha, giết mẹ, phế luân thường, vứt bỏ lòng thẹn đều do từ lúc ban đầu đã chẳng biết đạo làm người và nhân quả báo ứng. Vừa được nghe tà thuyết bèn cực lực nương theo để thỏa cái tâm phóng túng không kiêng dè, đáng buồn thay! Nay gởi cho ông Di Đà Kinh Bạch Thoại, Tâm Kinh Chú, Học Phật Thiển Thuyết, Cảm Ứng Thiên Vựng Biên, gộp chung thành một gói để ông lấy đó làm căn cứ giáo huấn lũ con về đạo lập thân tu đức.
(Trích: Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên, thư thứ nhất: trả lời cư sĩ Mã Tông Đạo)