Đối với người tu niệm Phật, nếu muốn trong 1 đời này chính mình đạt được thành tựu, nắm chắc được chiếc vé đi Cực Lạc trong tay thì chỉ có 1 con đường duy nhất đó là; “Chuyên niệm A Di Đà Phật”. Nói đến “chuyên niệm” tức là trong tâm ngoài câu Phật hiệu ra không có xen tạp vào bất cứ thứ gì cả. Có vị đồng tu đến nói với tôi:
– Niệm Phật càng nhiều thì càng có nhiều vọng tưởng xen vào, vậy đây có phải là xen tạp không?.
Tôi nói: – “Khi niệm Phật mà xen tạp vào vọng tưởng là chuyện đương nhiên. Nếu quý vị không có vọng tưởng thì quý vị chẳng cần phải niệm Phật nữa, vì quý vị đã đắc Nhất Tâm Bất Loạn rồi, đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn rồi. Xen tạp không phải là để chỉ cho vọng tưởng”.
Vậy xen tạp là gì? Chẳng xen tạp các pháp môn khác, đối với tham Thiền, trì chú đều chẳng dùng tới. Đối với Kinh điển chỉ nên học 1 bộ, quyết không xen tạp bộ thứ 2. Vì sao? Vì Kinh nào thì có tông chỉ và phương pháp tu học dành riêng cho Kinh ấy, do đó mà nếu chúng ta học thêm nhiều bộ Kinh khác thì nhất định sẽ bị ảnh hưởng. Vì vậy thâm nhập 1 môn trường kỳ huân tu là cực kỳ quan trọng. Nay ta hy vọng được ăn những món ngon lành, được mặc những quần áo đẹp vậy thì xong rồi, quý vị sẽ ở mãi trong tam đồ lục đạo, đối với Tây Phương Cực Lạc thì quý vị chẳng có phần. Hoặc quý vị còn hy vọng được đả Thiền Thất, hay tham gia thật nhiều pháp hội ở các nơi thì đều là đều là xen tạp.
Thuở Ấn Quang Đại Sư còn tại thế, đối với học trò Ngài đốc thúc rất nghiêm. Nếu học trò đến ngôi chùa Ngài ở bị Ngài trông thấy mấy lần, thì Ngài liền quở:
– Vì sao ngươi đến nơi đây?
Học trò trả lời: – Con đến gặp thầy.
Ngài liền nói: – Thầy có gì đâu để mà gặp, ngươi đã gặp thầy mấy lần rồi, giờ đây còn muốn gặp thêm nữa ư?
Ngài luôn quở mọi người như thế. Ngay cả đạo tràng của lão nhân gia, Ngài cũng chẳng muốn bất cứ ai tìm đến, huống chi đến các chùa chiền các nơi khác. Vì sao? Vì lãng phí tinh thần, tài lực và cũng là xen tạp. Quý vị đi càng nhiều thì càng dễ xen tạp lắm chuyện thị phi, xen tạp lắm nổi phiền não không cần thiết. Mà xen tạp phiền não thị phi thì niệm Phật làm sao mà chuyên được?
Hiện thời, đại đa số những người niệm Phật công phu chẳng thể kết thành phiến đều là do xen tạp quá nhiều, mà nhiều nhất chính là những chuyện tình cảm xã giao hằng ngày trong xã hội. Phải biết rằng, càng bận lòng vì những chuyện tình cảm xã giao này thì càng lỡ làng việc vãng sanh của chính mình, khiến cho 1 đời tu học xem như luống qua, thật là đáng tiếc biết bao. Cho nên, chúng ta cần phải bỏ sạch những chuyện tình cảm xã giao này đi. Rất có thể sau khi ta làm vậy sẽ mích lòng với rất nhiều người, điều này không sao cả, sau khi ta đã vãng sanh thành Phật rồi thì sẽ quay trở lại để độ cho họ.
Nếu chúng ta chẳng muốn mất lòng người khác, đối với vài người vẫn còn cả nể, thì khó tránh khỏi việc họ đọa vào tam đồ, ta cũng đi theo họ mà vào tam đồ chịu khổ. Giống như cứu kẻ chết đuối mà chính mình lại chẳng có bản lãnh, vậy làm sao tránh khỏi không chết theo họ chứ? Cho nên, điều này quyết chẳng thể được, những kiểu tình cảm xã giao này có thể hại chết người niệm Phật bất cứ lúc nào, người sáng suốt nhất định sẽ tránh xa khỏi những phiền lụy này.
Nếu mọi người đã thật sự hiểu rõ được đạo lý này rồi, thì từ nay trở đi không nên tiếp tục nói chuyện tình cảm xã giao nữa, cũng không nên đi thăm viếng các danh lam cổ tự mà làm gì nữa. Tận dụng từng giây từng phút của chính mình mà nhất tâm nhất ý chuyên niệm A Di Đà Phật, được vậy thì trong đời này làm sao chẳng thể thành tựu được chứ?
A Di Đà Phật!
– Tài liệu tham khảo: – Pháp ngữ của Pháp Sư Tịnh Không-