Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Nguyện thoát ly Ta Bà như tù nhân trông mong có ngày thoát ngục. Nguyện sanh Cực Lạc như kẻ nghèo hèn mong về cố hương

Phật A Di Đà cứ hết lần này đến lần khác bao dung cho chúng ta
Vấn đề chung của chúng ta là Tín, Nguyện, Hạnh chẳng đủ. Không thể nói là không tin, nhưng nửa tin nửa ngờ. Không phải là không có Nguyện, có nguyện nhưng còn do dự. Chẳng phải là không có Hạnh, nhưng “ba ngày đánh cá, hai ngày phơi lưới”. Thí dụ nói vãng sanh cần có một trăm phần trăm Tín Nguyện; còn chúng ta chỉ có mười phần trăm Tín và mười phần trăm Nguyện, nên chẳng đủ để vãng sanh. Vì sao Tín, Nguyện, Hạnh chẳng đủ? Nguyên nhân căn bản là chẳng có tâm muốn thoát ly. Tâm muốn thoát ly là tâm “chán ghét Ta bà, vui cầu Cực Lạc”. Người xưa nói: “Nguyện thoát ly Ta bà như tù nhân trông mong có ngày thoát ngục. Nguyện sanh Cực Lạc như kẻ nghèo hèn mong về cố hương”.
Chúng ta dù chỉ một tí ti nào cũng chẳng giống! Tâm muốn thoát ly là nội hàm của Tín Nguyện. Hám Sơn Đại sư khuyên chúng ta buông xuống, ngôn từ, lời lẽ thống thiết, chẳng có gì không mong khích lệ, cảm động chúng ta. Vì chúng ta bị chai đá đã lâu, cho nên chẳng thiết tha chuyện thoát ly sanh tử. Ai nấy đều nói: “Ôi chao! Buông xuống sao mà khó quá! Buông không nổi, buông không nổi!”.
Thật ra, đâu phải là buông không nổi! Mà là chúng ta chẳng nỡ buông, chẳng đành lòng buông xuống! Hãy nghĩ xem có đúng không
nhé? Chẳng nỡ buông xuống con cái, vẫn chẳng nỡ buông xuống cháu chắt, chuyện gì cũng muốn quan tâm! Chẳng nỡ xa lìa số tiền
mình gởi trong ngân hàng. Chẳng nỡ xa lìa những căn nhà mang tên mình. Chẳng nỡ buông xuống những lời cung kính tán thán của người khác đối với mình, … Những thứ ấy đều là các sợi dây xích, trói chặt chúng ta trong lục đạo luân hồi. Do chẳng nỡ buông xuống, cho nên cội rễ sanh tử sẽ tăng trưởng theo. Vô lượng kiếp rồi lại vô lượng kiếp đã qua, chẳng biết tới lúc nào mới có thể thoát lìa! Đối với Ái,
chúng ta vướng mắc trong lòng; đối với Hận chúng ta cũng nắm chặt trong lòng, vậy thì làm sao vãng sanh cho được? Cho nên trong kinh
Tứ Thập Nhị Chương đức Phật cảm thán: “Người ta bị vợ con, nhà cửa trói buộc còn sâu chắc hơn là bị ở tù. Bị giam trong ngục tù còn
có ngày thoát ra, còn vợ con chẳng có ý niệm nào xa lìa nổi”.
Mỗi ngày hai mươi bốn tiếng đồng hồ, chúng ta hãy quay lại hồi tưởng một lát, trong hai mươi bốn giờ ấy, thời gian tâm chúng ta nghĩ tới Cực Lạc có được bao lâu? Còn tâm nghĩ tới Ta bà lại là bao lâu? Tâm nghĩ Ta bà của chúng ta nhiều, tâm nghĩ Cực Lạc quá ít ỏi! Ít tới mức đáng thương, thiệt là quá ít. Trong hai mươi bốn giờ đồng hồ, có mười phút nghĩ tới chuyện vãng sanh hay không? Tỷ lệ này quá chênh lệch! Đó là nói trong một ngày, nếu ngày nào cũng vậy; cứ như vậy, mỗi một năm trôi qua, chúng ta lấy gì để vãng sanh? Nghĩ vậy, mới biết chúng ta nguy hiểm tới chừng nào! Lão hòa thượng Hải Hiền và sư phụ thượng nhân bất cứ lúc nào cũng mong vãng sanh; đó mới là chân tín thiết nguyện.
Lão hòa thượng Hải Hiền thường cảnh cáo những người xung quanh Ngài: “Hãy niệm Phật cho tốt, thành Phật là đại sự. Ngoài ra, những chuyện khác đều là giả hết”. Quý vị có thể dẫn khởi lời của hòa thượng để sách tấn. Nghe lời ngài nói như vậy, trong tâm nghĩ: “Đúng rồi! Tôi có tâm trạng và thái độ này, hết thảy đều là giả hết. Chỉ có niệm Phật thành Phật mới là thiệt”. Đó là thật sự nghĩ tới thế giới Cực Lạc, khẩn thiết không thể đợi được nữa. Quý vị cầu như vậy mới chẳng là nguyện suông, sẽ chẳng rơi vào Không. Hãy mau mau gia công, dụng hạnh.
[BÁO CÁO TÂM ĐẮC VÀ NHỮNG LỜI KHAI THỊ VÀNG NGỌC]
PS Tịnh Không

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *