Đời sống thường ngày đối nhân xử thế tiếp vật chỉ có một cái tâm thuần thiện, thuần là cái tâm làm lợi ích cho tất cả chúng sanh, thuần là hành vi lợi ích tất cả chúng sanh, tuyệt đối không cầu lợi ích cho bản thân. Nếu cầu lợi ích cho bản thân thì chính là tội lỗi. Những ác hạnh này tại sao chúng ta thảy đều có vậy? Ý nghĩ lợi ích bản thân chưa buông xả, cho nên gặp phải tai nạn, họ sẽ hoảng loạn, họ mong được sống, ý nghĩ tham sống sợ chết lập tức liền khởi lên. Bình thường niệm Phật, phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ, đến thời khắc này thì quên sạch, bị hoảng loạn sợ hãi lấn áp rồi, Phật biến mất rồi. Công phu bình thường phải được rèn luyện từ ngay trong đời sống thường ngày. Đến khi nào đem ý nghĩ tự tư tự lợi đoạn hết, thật sự buông xả rồi thì đạo Bồ-đề của bạn liền thành tựu. Nếu như không buông được thì tất nhiên trong vô tình đều làm những việc tổn người, không lợi mình. Người thông thường hiểu lầm là tổn người sẽ có lợi cho mình, điều này chắc chắn là một sai lầm. Tổn hại người khác, mà bản thân chỉ có được một chút lợi trước mắt, nhưng quả báo không thể tưởng tượng. Nhân duyên quả báo, đây là định luật của thế xuất thế gian. Cho nên, nhà Phật lại nói: “Vạn pháp giai không, nhân quả bất không”. Bạn tạo nhân gì, bạn sẽ được quả báo như thế ấy. Nhân quả thông ba đời, có hiện báo, có sanh báo, có hậu báo. Sanh báo là quả báo của đời sau, hậu báo là đời thứ ba trở về sau nữa. Trong Kinh Phật nói rất rõ ràng: “Giả sử bách thiên kiếp, sở tác nghiệp bất vong, nhân duyên tụ hội thời, quả báo hoàn tự thọ” (Cho dù trăm ngàn kiếp, nghiệp đã tạo không mất, khi nhân duyên hội đủ, sẽ nhận lấy quả báo). Hiểu rõ chân tướng sự thật này, chúng ta mới biết thật sự phát tâm đoạn ác tu thiện. Không những là không có hành vi tổn hại người khác, mà ý nghĩ hại người cũng không có, thì tâm này mới thanh tịnh, mới chân thật là người thiện, người tu hành chân chánh.
TÔN SƯ TỊNH KHÔNG CHỦ GIẢNG
TRÍCH THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN,TẬP 56